Chiết khấu 0 đồng, doanh nghiệp lỗ lớn
Theo phản ánh của hàng loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở các địa phương, trong vòng 1 tuần trở lại đây, tình trạng chiết khấu xăng dầu 0 đồng, âm chiết khấu đã xuất hiện trở lại trong những ngày qua, khiến doanh nghiệp lại rơi vào cảnh thua lỗ nặng. Nếu tình trạng này kéo dài, do đã cạn kiệt vốn kinh doanh sau khi bị lỗ nặng năm 2022, các doanh nghiệp sẽ khó có thể cầm cự, hết vốn để nhập hàng, kéo theo tình trạng đứt nguồn có thể xảy ra.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các tỉnh miền Bắc, mức chiết khấu 0 đồng hoặc âm sau khi tính đủ chi phí đã được các doanh nghiệp đầu mối áp dụng trong vài ngày qua.
Cụ thể, doanh nghiệp lấy hàng tại Phú Thọ, Bắc Giang, Yên Bái…, mức chiết khấu trong các ngày từ 4/4 đến 6/4 đều là 0 đồng. Mức phổ biến tại các tỉnh khác từ 50 đến 350 đồng/lít. Còn tại khu vực miền Trung, chiết khấu được ghi nhận từ 100 đến 250 đồng/lít. Riêng tại Quảng Trị, chiết khấu cho các doanh nghiệp là âm 250 đồng/lít.
Tại khu vực miền Nam, chiết khấu các mặt hàng xăng dầu của các đầu mối lớn Petrolimex, STS, Petec, Saigon Petro, Petimex những ngày qua cũng dao động từ 200 đến 400 đồng/lít. Với khu vực miền Tây, mức chiết khấu được áp dụng từ 100 đến 400 đồng/lít và áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp lớn như PVOil, Petimex, Petec, Petro Life, Nam Sông Hậu.
Giám đốc một thương nhân phân phối lớn ở khu vực miền Bắc cho biết, những ngày qua, nguồn cung xăng dầu bị giảm khá mạnh do giá thế giới 3 tuần qua liên tiếp tăng. Mức chiết khấu của công ty ông áp dụng cho doanh nghiệp bán lẻ ngày 8/4 là 350 đồng/lít nếu lấy dầu từ kho Hải Linh, Hoàng Huy, Đình Vũ. Còn với xăng A95 lấy từ kho Đình Vũ (Hải Phòng), mức chiết khấu chỉ là 100 đồng/lít và chỉ bán với số lượng hạn chế. Riêng các đại lý nhượng quyền, chiết khấu mặt hàng xăng là 150 đồng/lít.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, mức chiết khấu như vậy doanh nghiệp không có lãi, thậm chí không đủ trả chi phí vận chuyển từ kho về cây xăng. Còn nếu tính đủ các chi phí bán hàng, điện, lương nhân viên, lãi suất ngân hàng, mỗi lít xăng bán ra, doanh nghiệp bị lỗ từ 400 đến 800 đồng/lít tùy khu vực.
Đại diện Công ty Xăng Dầu Âu Hải Phát (Lâm Đồng) cho biết, chiết khấu với mặt hàng xăng đang ở mức 250 đồng/lít và 350 đồng/lít với mặt hàng dầu. Mức chiết khấu như thế này chưa đủ cho doanh nghiệp trả chi phí vận tải xăng dầu về cửa hàng. Nếu tính các khoản chi phí, mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp bị lỗ 500 - 800 đồng, khiến doanh nghiệp rất khổ cực.
Bà Nguyễn Thị Sinh, Công ty TNHH MTV Xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái), cho biết các thương nhân phân phối cũng đang đối mặt khó khăn rất lớn do chiết khấu cũng bị đầu mối cắt giảm rất mạnh. Như chiết khấu của Petrolimex tại kho Đức Giang (Hà Nội) áp dụng ở mức 100 đồng/lít.
Theo bà Sinh, trước đây, khi giá xăng dầu thế giới bị đẩy lên 147 - 149 USD/thùng, các đầu mối vẫn chiết khấu cho thương nhân phân phối thấp nhất là 600 - 700 đồng/lít, cộng thêm cước vận tải từ Hà Nội lên Yên Bái, tổng cộng cũng được 1.200 - 1.400 đồng/lít. Với mức này, thương nhân phân phối chiết khấu lại cho bán lẻ cũng được 300 - 400 đồng, bao cước vận chuyển.
“Với mức chiết khấu 100 - 200 đồng hiện nay, công ty của bà vẫn trả đủ cho doanh nghiệp bán lẻ 100 - 200 đồng/lít và chấp nhận lỗ cước vận chuyển để giữ khách hàng. Chiết khấu thấp nên bán lẻ phải lỗ phần chi phí bán hàng.
“Công ty có 5 cửa hàng và 10 đại lý, nếu tính cước vận chuyển 300 đồng/lít lên Yên Bái và các chi phí điện nước, nhân viên, khấu hao, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 800 đồng/lít với những cây xăng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn. Các cây xăng khác bị lỗ khoảng 600 đồng/lít bán ra”, bà Sinh cho hay.
Đề nghị đối thoại
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, các đại lý kinh doanh xăng dầu trong nhóm bán lẻ những ngày qua kêu rất nhiều về tình trạng chiết khấu xăng dầu đã quay trở lại mức 200-350 đồng/lít sau khi được nâng lên vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3. Đến nay, ở nhiều khu vực, doanh nghiệp đầu mối chỉ trích lại cho cửa hàng bán lẻ mức chiết khấu 50-100 đồng/lít.
Tại cuộc họp của Tổ điều hành giá cả thị trường trong nước do Bộ Công Thương tổ chức ngày 30/3, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, sau một thời gian chiết khấu ở mức thấp, vào cuối tháng 3, mức chiết khấu này đã được nâng lên đáng kể, đảm bảo lợi nhuận và chi phí cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ. Cụ thể, tại miền Bắc khoảng 700-800 đồng/lít, miền Nam khoảng 1.000-1.100 đồng/lít, thậm chí có thời điểm lên đến 1.800-2.500 đồng/lít, tùy mặt hàng.
Theo ông Tây, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang gặp rất nhiều khó khăn do thời gian qua quy định hiện hành đang có những điều khoản không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ dù đã có quy định tại Nghị định 95 và Thông tư 104 của Bộ Công Thương.
“Các quy định hiện hành không ghi rõ tỷ lệ phân chia những khoản này ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối được hưởng hết.
Cùng với đó, trong nghị định cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho bán lẻ để duy trì hoạt động. Tình trạng chiết khấu thấp kéo dài duy trì ở mức 0 đồng/lít hoặc âm khiến bán lẻ thua lỗ kéo dài phải cầm cố, bán cả tài sản, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn’, ông Tây cho hay.
Ông N.V.D. Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội cho biết, trong tuần qua đã gửi văn bản gửi đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Bộ trưởng Công Thương, Tài chính kiến nghị xem xét điều chỉnh những bất cập hiện hành trong Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Bộ Tài chính: Chưa ghi nhận biến động bất thường về chi phí
Ngày 7/4, Bộ Tài chính có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về rà soát, điều chỉnh khoản chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Theo Bộ Tài chính, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình cung cầu xăng dầu trong nước cơ bản ổn định, không có hiện tượng khan hiếm xăng dầu cục bộ tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Bộ này khẳng định không nhận được ý kiến phản ánh của cơ quan, doanh nghiệp về biến động bất thường về chi phí xăng dầu.
“Qua rà soát các khoản chi phí phát sinh từ đầu năm 2023 đến nay cho thấy, có khoản chi phí tăng, có khoản chi phí giảm nhưng đều ở biên độ thấp, không có biến động bất thường”, Bộ Tài chính cho biết.
Về quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong phiên thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi) và tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 6/4, ông Phạm Văn Hoà, đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề nghị Bộ Tài chính quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thay vì để tại doanh nghiệp như hiện nay, tránh tình trạng dùng tiền vào mục đích khác.
Thục Quyên
Theo ông D., các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi nghị định có những quy định sao cho đảm bảo có đủ chi phí cho doanh nghiệp hoạt động.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95 mới nhất dù có những điều khoản đưa ngành xăng dầu tiến gần hơn với cơ chế thị trường nhưng vẫn không quy định chi phí kinh doanh bán lẻ tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ nên các doanh nghiệp đang phải đối mặt tình trạng thua lỗ kéo dài và bị thâu tóm trong thời gian tới khi đã kiệt vốn kinh doanh.
“Chúng tôi mong muốn phải có chi phí kinh doanh bán lẻ tối thiểu để doanh nghiệp có nguồn lực duy trì bán hàng ổn định và liên tục cho người tiêu dùng. Nghị định sửa đổi, bổ sung cũng cần cho phép doanh nghiệp bán lẻ được tự định giá trên cơ sở chi phí lấy hàng từ đầu mối và chi phí thực tế của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm kê khai giá và sự giám sát của liên Bộ Công Thương - Tài chính trong việc công bố giá. Chúng tôi trực tiếp kinh doanh bán hàng mà người khác định giá là không phù hợp với quy luật tự nhiên của thị trường và không đúng với bản chất của vấn đề”, ông D. nói.
Ông cũng đề xuất Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối cần có buổi đối thoại công khai với cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ để lắng nghe những bất cập của thị trường hiện tại.
Về cách quản lý thị trường xăng dầu hiện nay, Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, Nghị định 95 cần phải sửa triệt để nếu không tình trạng đứt gãy nguồn cung hoàn toàn có thể tái diễn như năm 2022.
Theo ông Ánh, vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là sự xung đột lợi ích giữa các khâu đầu mối - phân phối - bán lẻ. Việc Nhà nước quy định giá cơ sở và từ đó xác định giá bán lẻ, trong khi để doanh nghiệp đầu mối nắm quyền quyết định rồi mới đến lượt phân phối, bán lẻ đã kéo theo tình trạng độc quyền nhóm, chưa phù hợp với luật cạnh tranh.