Dòng vốn ETF biến động ra sao hai tháng đầu năm?

09/03/2022 11:36

Từ đầu năm, Fubon FTSE Vietnam ETF là quỹ hút vốn mạnh nhất với 84 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng gần 1.150 tỷ đồng.

Giao dịch của khối ngoại là điểm tiêu cực của thị trường trong thời gian gần đây. Tháng 2, khối ngoại bán ròng 371 tỷ đồng, giảm mạnh so với lượng bán ròng 2.982 tỷ đồng của tháng đầu năm, cũng như cải thiện hơn giá trị bán ròng trung bình mỗi tháng năm ngoái (khoảng hơn 5.000 tỷ đồng). 

Trong bức tranh không mấy tích cực của khối ngoại, các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) trở thành điểm sáng hút vốn trên thị trường.

Xét riêng tháng 2, quỹ ETF nội lớn nhất VFMVN Diamond đã hút ròng gần 400 tỷ đồng, tương đương 14 triệu chứng chỉ quỹ. Dòng tiền chủ yếu đến trong nửa đầu tháng, cụ thể ngày 10/2 và 13/2 ghi nhận lượng vốn đổ mạnh nhất với lần lượt 8,1 triệu và 7,5 triệu chứng chỉ quỹ, ứng với tổng giá trị gần 450 tỷ đồng. Tuy nhiên ngày 23/2, quỹ bị rút 2,9 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương hơn 84 tỷ đồng. Tính chung hai tháng đầu năm, VFM VNDiamond ETF đã hút ròng hơn 400 tỷ đồng (14,3 triệu chứng chỉ quỹ). 

SSIAM VNFinLead huy động 81 tỷ đồng, tương ứng 3,6 triệu chứng chỉ quỹ. Con số này giảm gần 50% so với tháng đầu năm. Từ đầu năm, quỹ thuộc Quản lý quỹ SSI đã hút ròng tổng cộng 236 tỷ đồng, qua đó nâng giá trị tài sản ròng từ 3.420 tỷ lên hơn 3.764 tỷ đồng. SSIAM VNFinLead cũng nằm trong số ít quỹ ETF ghi nhận mức tăng trưởng dương sau hai tháng đầu năm, đạt 3,4% nhờ một số mã chiếm tỷ trọng đầu tư lớn đều có biến động về giá tích cực như MBB (tăng 19%), VPB (tăng 6%), STB (tăng 3%), TCB (tăng 2,2%).

Các quỹ ETF khác như VinaCapital VN100 và SSIAM VN30 cũng hút dòng tiền vào tháng vừa qua với giá trị lần lượt đạt 20 tỷ và 1,9 tỷ đồng. Trong tháng 1, hai quỹ không có biến động về lượng chứng chỉ quỹ.

IPAAM VN100, quỹ ETF mới được thành lập quý cuối năm ngoái, không có nhiều thay đổi về lượng chứng chỉ quỹ trong hai tháng đầu năm. Kể từ khi thành lập, giá trị tài sản ròng của quỹ tăng từ 53,2 tỷ đồng lên 61,4 tỷ đồng, tương đương mức tăng 15,5%; số lượng chứng chỉ quỹ phát hành tăng từ 5,1 triệu lên 5,6 triệu đơn vị.

Mặc dù nhiều quỹ ETF nội có dòng tiền đổ về hai tháng đầu năm nhưng tổng lượng vốn hút ròng của nhóm này bị kéo lùi do VFM VN30 ETF. Vào tháng 2, quỹ này bị rút ròng hơn 740 tỷ đồng, tương đương 28,8 triệu chứng chỉ quỹ. Trước đó ngay trong tháng đầu năm, quỹ thuộc Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) cũng đã bị rút 13 triệu chứng chỉ quỹ (hơn 330 tỷ đồng). Tổng giá trị rút ròng hai tháng là hơn 1.070 tỷ đồng.

chuyen-dong-dong-tien-7954-1646791853.pn

Nguồn: Bloomberg/Tổng hợp

Về phía nhóm quỹ ETF ngoại, Vaneck Vectors Vietnam (VNM ETF) không có nhiều biến động về dòng tiền hai tháng đầu năm. Đây cũng là quỹ có hiệu suất thấp nhất từ đầu năm, ở mức âm 8,5%. Top 5 khoản đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất của quỹ là VHM, MSN, VNM, VIC và HPG (6,02%). 4/5 cổ phiếu này đều ghi nhận giá sụt giảm hai tháng đầu năm. 

FTSE Vietnam ETF, một quỹ lâu năm khác hoạt động trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đã bị rút ròng 1,7 triệu USD (khoảng 39 tỷ đồng) từ đầu năm. Chiều 4/3 vừa qua, FTSE Russell đã công bố thêm cổ phiếu DPM, VND và VCG vào danh mục của FTSE Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ; trong khi không loại cổ phiếu nào tại đợt cơ cấu danh mục quý I. Tổng số lượng cổ phiếu Việt Nam được nâng lên thành 29 mã. 

FTSE Vietnam ETF đang đầu tư 100% vào cổ phiếu Việt Nam, quy mô đạt 374 triệu USD. Quỹ sẽ có thời gian 7-18/3 để điều chỉnh danh mục.

Quỹ ETF ngoại khác là Kim Kindex Vietnam ETF không ghi nhận thay đổi về vốn vào những tháng đầu tiên của năm 2022. 

Fubon FTSE Vietnam, quỹ ETF đến từ Đài Loan, hút ròng gần 1.150 tỷ đồng hai tháng đầu năm, theo đó là quỹ có dòng vốn đổ vào mạnh nhất trên thị trường. Sau khi bị rút 8,5 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần đầu tiên của tháng 1; quỹ đã nhận về tổng cộng 92,5 triệu chứng chỉ quỹ, riêng ngày 18/1 ghi nhận 42 triệu đơn vị.

Một quỹ ETF ngoại mới được thành lập cuối năm ngoái và đã giải ngân vào thị trường Việt Nam gần đây là Global X MSCI Vietnam (VNAM ETF). Quỹ sử dụng chỉ số tham chiếu là MSCI Vietnam IMI Select 25/50 Index với danh mục gồm 57 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thời điểm mới thành lập, VNAM ETF có quy mô khoảng 1 triệu USD. Kể từ đầu năm 2022 tới nay, quỹ đã hút thêm hơn 6 triệu USD và quy mô danh mục tại ngày 24/2 đã tăng lên 8,7 triệu USD. Trong cơ cấu danh mục, HPG là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất với 10,7%, tiếp theo lần lượt là VHM (8,5%), VIC (7,58%), MSN (6,55%), VNM (6,22%), NVL (4,46%), VCB (4,32%)…

Ông Dillon Jaghory, người quản lý danh mục VNAM ETF, đánh giá Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động. Sự phát triển của Việt Nam đã khiến nhiều người kỳ vọng sẽ tiếp bước Trung Quốc hoặc 4 con hổ Châu Á (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong) để trở thành một cường quốc của khu vực, nếu không muốn nói là toàn cầu.

Ông cũng cho biết mặc dù thị trường tài chính Việt Nam vẫn còn non trẻ nhưng đã tạo ra khoản lợi nhuận hấp dẫn. 10 năm qua, VN-Index đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với nhiều chỉ số chứng khoán trong khu vực ASEAN, châu Á, cũng như nhiều thị trường cận biên và mới nổi khác. Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam cũng rẻ hơn, điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Bạn đang đọc bài viết "Dòng vốn ETF biến động ra sao hai tháng đầu năm?" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).