Cụ thể, ngày 3/1, đồng yen của Nhật Bản đã tăng lên mức 129,5 yen đổi 1 USD, mốc cao nhất ghi nhận kể từ tháng 6/2022, trong bối cảnh giới phân tích suy đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của nước này.
Như vậy, đồng yen đã tăng hơn 20 yen sau khi giảm xuống mức kỷ lục 152 yen đổi 1 USD hồi tháng 10 năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến đồng tiền này tăng giá là do xu hướng bán đồng USD mua đồng yen đang tiếp tục tăng mạnh khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản bất ngờ điều chỉnh chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn, theo đó nâng biên độ lãi suất dài hạn lên mức +-0,5%.
Các chuyên gia cho rằng, việc đồng yen tăng giá mạnh một phần khác là nhờ có ít hơn các nhà đầu tư tham gia thị trường vào đầu năm mới 2023.
Tuy nhiên, đồng yen mạnh hơn sẽ cắt giảm lợi nhuận kiếm được ở nước ngoài của các doanh nghiệp khi hồi hương, đồng thời làm suy yếu khả năng cạnh tranh về giá của các sản phẩm do Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia kinh tế, tiếp theo đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể có những đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ tiếp theo nhằm thu hẹp khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản, tránh ảnh hưởng đến các chức năng của thị trường cũng như nhằm hạn chế các tác động tiêu cực do lạm phát tăng cao.
Phản ứng của đồng yen trên thị trường ngoại hối hiện nay đang được cho là một phép thử cho những điều chỉnh chính sách tiền tệ của Nhật Bản trong năm mới. Các nhà quan sát đánh giá, chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay có thể sẽ được xem xét lại khi nhiệm kỳ của của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda Haruhiko hết nhiệm kỳ vào tháng Tư tới.
Trong tháng 12/2022, BOJ đã quyết định nới rộng biên độ kiểm soát lợi suất trái phiếu dài hạn. Động thái bất ngờ này được xem như một đợt tăng lãi suất hiệu quả, thúc đẩy quan điểm cho rằng chênh lệch lãi suất của Nhật Bản và Mỹ sẽ thu hẹp, từ đó giúp giá trị của đồng yen mạnh lên khi quy đổi với đồng USD.