Trái phiếu doanh nghiệp khép lại năm bất thường

30/12/2022 10:43

Lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) năm 2022 tăng tới 42%, trong khi giá trị phát hành mới giảm tới 63%. TPDN đã khép lại một năm đầy bất thường.

Doanh nghiệp “hụt” gần nửa triệu tỷ đồng vốn huy động từ kênh trái phiếu

Số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, tính từ đầu năm tới ngày 23/12/2022, giá trị phát hành trái phiếu mới (cả phát hành ra công chúng lẫn phát hành riêng lẻ) đạt gần 255.000 tỷ đồng, giảm gần 62% so với cùng kỳ. Trong đó, phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 61% (chiếm tỷ lệ 4% tổng giá trị phát hành), còn TPDN phát hành riêng lẻ giảm tới 63% (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

Không chỉ giảm kỷ lục, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho hay, thị trường TPDN năm 2022 còn chứng kiến sự bất thường khi lượng mua lại trước hạn tăng đột biến.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu, tính từ đầu năm đến ngày 23/12/2022, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt gần 200.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Việc mua lại trước hạn tăng bất thường một phần do thị trường bất lợi, song đa phần là do làn sóng bán tháo trái phiếu của các trái chủ.

Như vậy, nếu trừ đi số trái phiếu mua lại trước hạn, năm 2022, doanh nghiệp chỉ huy động thêm được gần 55.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu, bằng 1/10 lượng phát hành ròng ra thị trường năm 2021. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp bị hụt gần nửa triệu tỷ đồng vốn huy động qua kênh trái phiếu so với năm ngoái. Trong năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu mới thành công 658.000 tỷ đồng, trong khi chỉ mua lại trước hạn 116.000 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu rơi vào cảnh đóng băng từ tháng 4/2022, sau sự kiện Tân Hoàng Minh diễn ra cùng với các động thái thắt chặt quản lý của Chính phủ. Mặt dù vậy, sự điều chỉnh của thị trường trái phiếu sau 3 năm tăng trưởng nóng là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo trước.

Niềm tin của nhà đầu tư chưa thể sớm trở lại, nên áp lực với thị trường TPDN trong năm 2023 vẫn còn lớn. Vẫn cần thời gian để doanh nghiệp và trái chủ thương thảo thu xếp các khoản nợ trái phiếu đáo hạn đạt đỉnh năm 2023-2024.

Bà Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc Đầu tư Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VinaCaptial)

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Fiin Group cho hay, trong 3 năm qua, lượng TPDN phát hành mới đã vượt mức tăng ròng của tín dụng ngân hàng trung, dài hạn. Tuy vậy, nửa cuối năm nay, thị trường TPDN đã khựng lại. Nguyên nhân của tình trạng này không chỉ do sự mạnh tay chấn chỉnh của cơ quan quản lý, mà còn do tác động kép bởi yếu tố chu kỳ ngành. Đó là, thị trường bất động sản bước vào chu kỳ suy yếu sau một thời gian phát triển quá nóng, có tính đầu cơ và trái phiếu doanh nghiệp sau 3 năm phát triển mạnh cũng đến đỉnh đáo hạn.

Ngoài ra, lạm phát trên thế giới tăng mạnh, các nước đua nhau thắt chặt tiền tệ, dòng tiền thị trường suy yếu, khả năng thanh toán của doanh nghiệp yếu đi… cũng là các yếu tố cộng hưởng, khiến thị trường trái phiếu rơi xuống đáy.

Thị trường sẽ còn khó khăn đến hết năm 2023

Với khó khăn của thị trường TPDN, trước mắt, Bộ Tài chính xem xét, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng giãn, hoãn nhiều quy định thêm 1 năm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có kế hoạch tăng cường phối hợp, giám sát việc các tổ chức tín dụng phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nhất là hành vi chào mời khách hàng gửi tiền tiết kiệm chuyển sang mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Việc sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP là rất cần thiết cho thị trường. Ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, nhiều nước như Hàn Quốc, Trung Quốc phải lập quỹ bình ổn thị trường trái phiếu, nên Việt Nam đưa ra các giải pháp để “cứu” thị trường trái phiếu là cần thiết. Mặc dù vậy, theo dự báo của ông Quỳnh, thị trường TPDN sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2023.

“Các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, phải tái cấu trúc hoạt động, tập trung vào các dự án cốt lõi. Mong rằng, thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan quản lý có các giải pháp kịp thời hơn, trúng hơn để khơi thông thị trường trái phiếu”, ông Quỳnh kỳ vọng.

Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, ông Thuân cho rằng, doanh nghiệp cần phải tính tới các kênh huy động vốn khác. Đơn cử, trong tháng 10/2022, theo thống kê của Fiin Group, các doanh nghiệp đã huy động đến 1,9 tỷ USD vốn quốc tế. Mặc dù lãi suất không hề rẻ, song nguồn vốn này đã giúp doanh nghiệp gỡ khó được thanh khoản.

“Năm 2023, các doanh nghiệp có dự án tốt, dòng tiền thông minh sẽ tìm đến, đặc biệt nên tận dụng kênh tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Còn với doanh nghiệp yếu, khó huy động vốn cần chủ động minh bạch và đàm phán với nhà đầu tư, tránh hậu quả không mong muốn”, ông Thuân khuyến nghị.

Bạn đang đọc bài viết "Trái phiếu doanh nghiệp khép lại năm bất thường" tại chuyên mục Kiến Thức Tài Chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).