Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (30/1), gián đoạn xu thế tăng của tháng 1, khi nhà đầu tư bước vào tuần bận rộn nhất của báo cáo kết quả kinh doanh và chuẩn bị đón nhận một đợt tăng lãi suất nữa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mối lo lãi suất tăng cũng là một nguyên nhân khiến giá dầu sụt dốc trong phiên đầu tuần.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 260,99 điểm, tương đương giảm 0,77%, còn 33.717,09 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 1,3%, còn 4.017,77 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 1,96%, còn 11.393,81 điểm.
Gây áp lực giảm nhiều nhất lên S&P 500 phiên này là hai nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông. Hai trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn như Meta Platforms và Alphabet giảm tương ứng khoảng 3% và 2,5%. Cổ phiếu hãng chip AMD giảm 3,9%. Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 10 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ.
Dù giảm phiên này, S&P 500 vẫn đang tiến tới hoàn tất tháng Giêng tốt nhất kể từ năm 2019 – tháng đầu năm mà chỉ số này ghi nhận mức tăng gần 8%. Từ đầu tháng tới nay, thước đo rộng nhất của thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng 4,6%, sau khi giảm 19% trong năm ngoái.
Tuần này sẽ có một số cuộc thử thách đối với xu thế hồi phục đã duy trì từ đầu năm. Khoảng 20% số công ty thành viên của S&P 500 sẽ báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022 trong tuần này, bao gồm những cái tên như McDonald’s, General Motors, Alpha, Meta Platforms, Amazon và Alphabet.
Một sự kiện đặc biệt quan trọng là cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), bộ phận hoạch định chính sách tiền tệ của Fed, vào ngày thứ Ba và thứ Tư. Theo dự báo, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này. Điều quan trọng hơn cả mà nhà đầu tư chờ đợi là tín hiệu về việc Fed sẽ nâng lãi suất lên mức cực đại là bao nhiêu trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện tại.
Cũng trong tuần này, thị trường sẽ đón nhận nhiều số liệu kinh tế quan trọng, đỉnh điểm là báo cáo việc làm tháng 1, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Động lực chính cho sự phục hồi của thị trường từ đầu năm tới nay là những báo cáo thống kê cho thấy lạm phát liên tục xuống thang ở Mỹ. Thị trường kỳ vọng xu hướng “giảm nhiệt” của lạm phát có thể khiến Fed sớm dừng chiến dịch tăng lãi suất.
“Giá cổ phiếu sẽ còn giằng co khi nhà đầu tư cân nhắc về khả năng liệu Fed có tiếp tục tăng lãi suất lâu hơn trong năm nay, hay sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu vẫn có thể tăng thêm một chút nữa. Xu hướng hồi phục sau đó sẽ suy yếu vì chúng tôi tin là Fed sẽ còn tăng lãi suất trong một thời gian nữa”, chiến lược gia đầu tư cấp cao Tom Hainlin của US Bank nhận định với hãng tin CNBC.
Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên đầu tuần khi tâm trí nhà đầu tư bị phủ bóng bởi nỗi lo lãi suất. Không chỉ Fed, hai ngân hàng trung ương lớn khác là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng họp trong tuần này, với mức tăng lãi suất dự kiến là 0,5 điểm phần trăm.
Chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới giảm 0,99% nhưng đang tiến tới hoàn tất tháng tăng mạnh nhất kể từ năm 2019. Chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán châu Âu giảm 0,17% nhưng sắp hoàn thành tháng 1 tốt nhất kể từ năm 2015.
“Thị trường đã tăng một hơi dài và nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn khi bước vào một tuần quan trọng”, Giám đốc đầu tư Keith Lerner của Truist Advisory Services nói với hãng tin Reuters.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,76 USD/thùng, tương đương giảm 2,03%, còn 84,9 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,78 USD/thùng, tương đương giảm 2,23%, còn 77,9 USD/thùng. Đây là phiên giảm mạnh nhất của giá dầu WTI trong vòng 4 tuần.
Ngoài mối lo lãi suất, giá dầu mấy phiên gần đây còn chịu áp lực giảm từ tín hiệu cho thấy nguồn cung dầu từ Nga vẫn dồi dào bất chấp lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của Liên minh châu Âu (EU) và trần giá mà nhóm G7 áp lên dầu Nga. Tuần trước, cả dầu Brent và WTI cùng có tuần giảm giá đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Vào ngày thứ Tư tuần này, nhóm OPEC+ sẽ có cuộc họp định kỳ về sản lượng. Nhóm này là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga. Theo tiết lộ của nguồn thạo tin với Reuters, OPEC+ sẽ không điều chỉnh sản lượng trong lần họp này.
Hiện tại, giá dầu vẫn đang hưởng lợi từ sự khởi sắc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn mở cửa hoàn toàn trở lại sau 3 năm đóng cửa để chống Covid-19.
Thị trường tiền ảo ít biến động vào cuối tuần vừa rồi và trong phiên ngày thứ Hai. Giá đồng Bitcoin tiếp tục dao động trong khoảng 22.000-23.000 USD. Trong tháng 1 này, giá Bitcoin đã tăng khoảng 40%. Lúc hơn 6h sáng nay, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 22.748 USD, giảm gần 4,5% so với cách đó 24 tiếng.