Dự án Cityland Garden Hills: Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, thông tin bất ngờ về chủ đầu tư

23/08/2021 15:35

Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ những sai phạm tại dự án CityLand Garden Hills. Chủ đầu tư này cũng gây bất ngờ với nhiều lần tăng vốn bất thường trong những năm qua.

Thanh tra Chính phủ chỉ rõ sai phạm

Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số những vấn đề nổi cộm về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM.

Đối với dự án khu dân cư số 168 Phan Văn Trị, quận Gò Vấp (Garden Hills) do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố (Cityland) là chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ đã phát lộ nhiều vấn đề trong công tác giao đất của UBND TP.HCM và hoạt động sử dụng đất của doanh nghiệp.

Nội dung kết luận cho thấy, ngày 31/3/2005, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 886/QĐ-UB ngày 28/2/2005 cho Tổng kho 186 - Cục xăng dầu, Tổng cục Hậu cần với mục đích sử dụng là đất quốc phòng, thời hạn sử dụng lâu dài.

Cụ thể, trong khu đất được cấp có khoảng 2.700 m2 đất là do Công ty 394 thuộc Bộ Quốc phòng sử dụng để xây dựng trụ sở văn phòng làm việc; 7.000 m2 do Trung tâm y tế dự phòng và khoảng 140.000 m2 do Tổng cục Hậu cần quản lý, sử dụng.

Ngày 3/7/2008, Bộ Quốc phòng có Công văn số 3348/BQP-TM cho phép Tổng cục Hậu cần được di chuyển Tổng kho 186 đến đóng quân tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.

Tiến hành cùng với việc này, Bộ Quốc phòng cũng đề nghị UBND TP.HCM quyết định thu hồi đất quốc phòng của Tổng kho 186 để giao cho Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố quản lý, đầu tư xây dựng khu nhà ở.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại ở dự án City Land Garden Hills

Việc di dời Tổng kho 186 được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công văn số 5821/VPCP-KTN ngày 4/9/2008 của Văn phòng Chính phủ.

Tiếp đó, xét đề nghị của liên bộ gồm: Bộ Tài Chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên Môi trường Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1531/TTg-KTN ngày 5/9/2011 về quản lý, sử dụng đất tại khu đất quốc phòng này. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.HCM quyết định thu hồi cơ sở nhà, đất của Tổng kho 186, Bộ Quốc phòng tại số 168 đường Phan Văn Trị, phường 5, quận Gò Vấp, đồng thời chuyển mục đích sử dụng, quản lý và sử dụng đất nêu trên theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bộ Quốc phòng sử dụng số tiền từ việc chuyển mục đích sử dụng diện tích quốc phòng nêu trên để thực hiện các việc chi trả theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11/4/2012, UBND TP HCM có Quyết định số 1921/QĐ-UBND thay thế cho Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 14/3/2011 duyệt giá trị quyền sử dụng đất với tổng giá trị sử dụng đất là 64.797 m2 đất ở, đất thương mại, dịch vụ kết hợp thể dục thể thao là hơn 1.016 tỷ đồng, tương ứng hơn 15,6 triệu đồng/m2. Quyết định này được thực hiện theo tờ trình số 2851/STC-BVG ngày 4/4/2012 của Sở Tài Chính.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Quyết định số 5797/QĐ-UBND ngày 1/12/2011 giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai năm 2003.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, ngày 13/10/2008, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đã có Văn bản số 5290/BQP-HC gửi Bộ Tài chính đề nghị chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất và được Bộ Tài chính có Văn bản số 1344/BTC-QLCS.

Văn bản của Bộ Tài chính có nêu về phương án tài chính, Bộ Quốc phòng đã đề nghị UBND TP.HCM thu hồi và giao đất cho Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố. Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm đảm bảo kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng tại khu vực cũ và mới, kinh phí hỗ trợ di dời, xây dựng Tổng kho tại vị trí mới theo cam kết, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Quốc phòng.

Chủ đầu tư dự án đã nộp tiền sử dụng đất cho Bộ Quốc phòng, trong đó có giá trị tiền sử dụng của 20% đất xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo kết luận của TTCP, UBND TP.HCM đã có Văn bản số 1044/UBND-ĐTMT ngày 11/3/2014 về việc chấp thuận chủ trương xử lý không dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở đã đầu tư xây dựng hệ thống kỹ thuật của dự án để xây dựng nhà ở xã hội.

Cho đến nay, dự án đã được xây dựng và bán hết cho người sử dụng vì vậy Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP.HCM rà soát, xử lý theo thẩm quyền những vấn đề đã được nêu ở trên.

Thông tin bất ngờ về chủ đầu tư

Thông tin Ngày Nay tìm hiểu cho thấy, đến thời điểm tháng 7/2021, sau nhiều lần tăng vốn điều lệ Công ty TNHH đầu tư địa ốc Thành phố (City Land), hiện tại đơn vị này đang có vốn là 3.100 tỷ đồng. Bà Bùi Thị Yển sở hữu 95% vốn tương ứng số tiền là 2.945 tỷ đồng; ông Bùi Mạnh Hưng sở hữu 5% vốn tương ứng 155 tỷ đồng.

Việc thay đổi vốn tại City Land không phải là mới vì từ khi thành lập cho đến nay đơn vị này đã có nhiều lần tăng rồi giảm vốn điều lệ. Thông tin tìm hiểu cho thấy, City Land được thành lập từ tháng 7/2003 với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập ban đầu của City Land gồm: Bùi Mạnh Hưng (góp 98%), Đàm Lê Minh Hồng (góp 1%) và Đàm Thị Thu Hà (góp 1%).

Ông Bùi Mạnh Hưng - Chủ tịch HĐQT City Land

Tháng 1/2011, City Land có bước tăng vốn “rất sốc” từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không thay đổi. Sau khi tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, City Land bất ngờ giảm mạnh vốn xuống còn 350 tỷ đồng vào tháng 10/2012.

Đến tháng 2/2016, City Land lại tiếp tục tăng vốn là 650 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông cũng thay đổi khi hai cổ đông Đàm Lê Minh Hồng và Đàm Thị Thu Hà đồng loạt thoái vốn, còn ông Bùi Mạnh Hưng lúc này chỉ nắm 5% vốn điều lệ; 95% số vốn còn lại thuộc về ông Bùi Đại Sa.

Cơ cấu sở hữu vốn tại City Land vào thời điểm tháng 7/2021

Đến tháng 4/2016, ông Bùi Đại Sa chuyển nhượng toàn bộ 95% cổ phần City Land cho bà Bùi Thị Yển – SN 1939. Đến thời điểm này, City Land chỉ còn 2 cổ đông là bà Bùi Thị Yển và ông Bùi Mạnh Hưng. Mặc dù sở hữu 95% số vốn City Land nhưng bà Bùi Thị Yển đã ủy quyền cho ông Bùi Mạnh Hưng điều hành công ty. Ông Bùi Mạnh Hưng cho đến thời điểm hiện tại vẫn đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của City Land.

City Land được biết đến khi là chủ đầu tư nhiều dự án lớn từ Nam ra Bắc. Tại TP.HCM như: CityLand Park Hills; CityLand Riverside ở quận 7; Cityland Center Hills ở quận Gò Vấp; Cityland Garden Hills. Tại Hà Nội, City Land được giới thiệu là chủ đầu tư dự án CityLand Luxury Mễ Trì với tổng mức đầu tư 1.750 tỷ đồng trên lô đất 6ha.

Bạn đang đọc bài viết "Dự án Cityland Garden Hills: Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm, thông tin bất ngờ về chủ đầu tư" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).