Trong nhiệm kỳ mới, EU cũng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Thống thống Macron. (Nguồn: EPA)
Ngày 9/5, ở phía Đông của châu Âu, Tổng thống Nga V. Putin chủ trì nghi thức diễu binh kỷ niệm ngày chiến thắng nước Đức phát xít trong bối cảnh “chiến dịch đặc biệt” của Nga tại Ukraine.
Ở phần Tây của châu lục, 27 nước thành viên EU kỷ niệm Ngày châu Âu, gợi nhắc lại Tuyên bố Schuman (gọi theo tên của cựu Ngoại trưởng Pháp), đặt nền móng cho một châu Âu hướng tới “hòa giải, hòa bình và thịnh vượng”.
Từ 2016 đến nay, EU phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, Brexit, nhập cư, Covid-19, và mới đây nhất là cuộc xung đột ở phần Đông của châu lục. Các mục tiêu mà các nhà lãnh đạo châu Âu đặt ra cách đây hơn 70 năm đang bị thách thức.
Lần đầu tiên một quốc gia, nước Anh - dù không phải là thành viên sáng lập nhưng là một trong những trụ cột về kinh tế và chiến lược, rút khỏi dự án chung. Khủng hoảng nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông cho thấy EU vẫn cần đoàn kết hơn nữa để cùng chia sẻ “thịnh vượng”.
Đại dịch Covid-19 ập đến làm cho EU nhận thức được rằng sự “thịnh vượng” đang quá phụ thuộc vào thế giới toàn cầu hóa và vì vậy hơn bao giờ hết EU cần tái lập cho mình sự “tự chủ chiến lược”. Xung đột tại Ukraine, nằm sát biên giới phía Đông của EU lại như lời cảnh báo rằng gần 80 năm sau cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, “hòa bình” không là vĩnh cửu. Và vào thời khắc này, hơn bao giờ hết, EU đang cần đến một sự lãnh đạo.
Hôm 21/4, ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vòng hai tại Pháp, thủ tướng ba nước Bồ Đào Nha, Đức và Tây Ban Nha ký chung một tuyên bố, đăng trên nhật báo Le Monde, đã kêu gọi cử tri Pháp bỏ phiếu ngăn chặn các lực lượng cực hữu, dân tộc chủ nghĩa lên nắm quyền, bởi EU đang cần sự “lãnh đạo của nước Pháp”.
Brexit, bà A. Merkel rút khỏi chính trường khiến người ta kỳ vọng nhiều hơn vào vai trò lãnh đạo của Pháp đối với EU. Theo ông Thomas Gomart, Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, Paris là thành viên EU “có thể tư duy một cách toàn diện về thế giới”, và “có thể đưa ra các sáng kiến” cho dù không phải tất cả đều được các thành viên khác đón nhận.
Nhận xét này cũng đúng cho Tổng thống Macron khi các mục tiêu “hỏa giải” “hòa bình” và “thịnh vượng” của EU cũng chính là các nội hàm trong tầm nhìn của ông về một châu Âu “chủ quyền”, “tăng trưởng” và “tự bảo vệ”.
Trong nhiệm kỳ mới, EU cũng sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu của Thống thống Macron với các mục tiêu “chủ quyền”, “tăng trưởng” và “tự bảo vệ” như ông đã kiên trì thúc đẩy trong nhiệm kỳ đầu (2017-2022).
Điểm khác biệt trong nhiệm kỳ này chính là vị thế lãnh đạo được kỳ vọng của Tổng thống Macron với EU. Và còn cả ở cách Tổng thống Macron sẽ “lãnh đạo” châu Âu.