Giá cả tăng mạnh sau Tết

01/02/2023 08:25

Giá hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn sau dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, nên giá hàng hóa và dịch vụ trong tháng này trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường từ đầu năm cũng là yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng trước, theo Tổng cục Thống kê.

Theo đó, 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ đã có chỉ số gia tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 1 nhóm hàng giữ giá ổn định.

Giao thông là nhóm có mức tăng cao nhất, tăng 1,39% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) chủ yếu do giá xăng dầu tăng.

Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá mặt hàng này tăng vọt.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong công thức tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống trong tháng 1 cũng tăng mạnh 0,82% (tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm). Trong đó, giá gạo tăng 0,84% do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng tăng; giá thịt lợn tăng 0,33%; thịt gia cầm tăng 1,23%; chè, cà phê, hoa quả cũng tăng giá trong dịp Tết.

Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giảm gồm giáo dục; nhà ở và vật liệu xây dựng.

Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.

Đồng thời, giá gas trong nước cũng được điều chỉnh giảm theo thế giới; giá nước sinh hoạt giảm.

Bưu chính viễn thông là nhóm duy nhất giữ được chỉ số giá ổn định so với tháng trước.

So với cùng kỳ năm 2022, CPI tháng 1 đã tăng 4,89%. Lạm phát cơ bản tháng 1 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,89%) chủ yếu do giá gas và giá dịch vụ giáo dục giảm là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 1 năm nay thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong báo cáo công bố vào tháng 12/2022, HSBC cho rằng, lạm phát Việt Nam năm 2023 có thể lên tới 4% khi áp lực sẽ còn tăng mạnh hơn trong vài quý tới. Trong đó, tình trạng thiếu năng lượng sẽ tạo áp lực lạm phát toàn phần tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng tiếp tục chu kỳ thắt chặt.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức giữa tháng này, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4 - 4,5% do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022; và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do nhà nước quản lý (lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...). 

Bạn đang đọc bài viết "Giá cả tăng mạnh sau Tết" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).