Hà Nội cần làm gì khi số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh?

29/12/2021 09:03

Số ca tử vong ở Hà Nội tăng 34 người trong 7 ngày, bằng gần một nửa so với 7 tháng trước. Chuyên gia kiến nghị thành phố chuẩn bị cho tình huống xấu trong dịp nghỉ lễ, Tết sắp tới.

Trong kế hoạch đối phó với biến chủng Omicron được UBND Hà Nội ban hành tối 27/12, thành phố đã đề cập đến lo ngại biến chủng mới sẽ thay thế Delta trở thành loại virus chiếm ưu thế chủ yếu, tiếp tục khiến dịch bệnh tại thủ đô phức tạp thời gian tới.

Song song với nỗi lo từ Omicron, Hà Nội đối mặt với số ca nhiễm liên tục lập đỉnh. Ngày 27 và 28/12, mỗi ngày thành phố ghi nhận trên 1.900 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ - xấp xỉ tổng số ca bệnh trong 5 tháng đầu tiên từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát tại Hà Nội (khoảng 2.000 ca).

Căn cứ số liệu tử vong, thở máy thay vì ca nhiễm

Theo số liệu mới nhất, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn thành phố ở đợt dịch thứ 4 là 40.646, tương ứng với tỷ lệ ca nhiễm/dân số là 0,48%, tỷ lệ ca mắc là 1/100.000 dân. Tổng số ca tử vong là 109, tỷ lệ tử vong đến nay của Hà Nội gần 0,27%.

Đáng chú ý, số ca tử vong đã tăng thêm 34 người chỉ trong 7 ngày qua, bằng 45% tổng số ca tử vong trong 7 tháng trước đó.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thừa nhận lo ngại của lãnh đạo Hà Nội hoàn toàn có cơ sở. Địa bàn thủ đô có nhiều yếu tố để số ca mắc tăng nhanh.

Dân cư đông đúc, mật độ di chuyển, tiếp xúc của người dân dày đặc để phục vụ các hoạt động kinh doanh, sản xuất, giải trí. Trong khi đó, vaccine gần như chỉ có tác dụng hạn chế người mắc chuyển nặng, rất khó phòng tránh được lây nhiễm.

Nhìn vào số liệu này, ông Nga cho rằng Hà Nội vẫn đang ở phạm vi an toàn, song, những chuyển biến gần đây cho thấy thành phố đang đối mặt với các nguy cơ thực sự lớn. Số ca tử vong đang tăng nhanh khi số bệnh nhân nặng và nhập viện lên cả trăm người mỗi ngày.

Để tránh nguy cơ "vỡ trận" như từng xảy ra ở TP.HCM, ông Nga nhấn mạnh Hà Nội phải duy trì tỷ lệ tử vong dưới ngưỡng 1-1,5%. Thủ đô cần xác định rõ mục tiêu chống dịch hiện tại. Thành phố chỉ có thể ưu tiên một đến hai nhiệm vụ, không thể dồn toàn bộ lực để đạt Zero Covid-19 như trước.

"Có thể nhận thấy ngăn chặn lây nhiễm không khả thi lúc này, dấu hiệu nhận biết người mang virus đã không còn như trước. Hầu hết F0 đã tiêm vaccine đều khỏe mạnh như người không nhiễm bệnh", ông Nga nói.

Chuyên gia nhìn nhận cần căn cứ vào số liệu ca thở máy, tử vong thay vì số liệu ca nhiễm hàng ngày để xác định các nhiệm vụ phòng chống dịch. "Số liệu ca nhiễm hàng ngày không còn là căn cứ quan trọng để xác định các nhiệm vụ chống dịch trong giai đoạn này", ông Nga nói.

Ông cũng kiến nghị Hà Nội chú trọng công tác điều trị, phòng bệnh cho nhóm nguy cơ tử vong cao, như người già, người nhiều bệnh nền, người không đủ sức khỏe, điều kiện để tiêm vaccine. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phải tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng chuyển tầng, phát hiện sớm F0 điều trị tại nhà diễn biến nặng để kịp thời điều trị.

Tăng cường lực lượng cho tuyến cơ sở

Trong số F0 được điều trị tại bệnh viện, 3.050 F0 của Hà Nội ở thể nhẹ và không xuất hiện triệu chứng (chiếm khoảng 63%). Nhóm mắc bệnh ở mức độ trung bình có tổng cộng 1.428 người.

Số bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội tính đến 28/12 là 311 trường hợp, chiếm 6,5%. Con số này đã tăng 19,6% so với trung bình 7 ngày trước đó. Trong số bệnh nhân diễn biến nặng, 268 trường hợp đang phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 10 người thở oxy dòng cao (HFNC), 9 ca thở máy không xâm lấn và 24 người thở máy xâm lấn.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, nhìn nhận Hà Nội cần nhanh chóng thích ứng với diễn biến dịch hiện nay và chú ý đến 2 mục tiêu chính.

Tháng 12/2021, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội), đội ngũ nhân viên y tế tất bật làm việc khi số lượng bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng tăng nhanh. Ảnh: Thạch Thảo.

Thứ nhất, khi số ca nhiễm dự báo tiếp tục cao và có thể phức tạp hơn khi bước vào kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Hà Nội cần nhanh chóng nâng cao chất lượng điều trị F0 tại nhà.

Thứ hai, mức độ dịch bệnh đã nâng lên quy mô toàn thành phố, 30 quận, huyện trên địa bàn phải sớm kích hoạt trạm y tế phục vụ việc điều trị F0 tại nhà. Thành phố nên đẩy nhanh việc trang bị vật tư, thiết bị, thuốc men và đặc biệt là nhân lực để hạn chế tử vong đến mức thấp nhất.

Thời gian nghỉ lễ, Tết sắp tới sẽ vô cùng thử thách đối với Hà Nội, chuyên gia cảnh báo đây có thể là thời điểm dịch bùng phát rất mạnh khi người dân có nhiều thời gian rảnh, tụ tập ăn uống, liên hoan cuối năm, tới thăm người thân, bạn bè.

Ông Nguyễn Huy Nga đề nghị thành phố đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ của dịch bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao. Người dân bên cạnh các quy tắc để tự bảo vệ bản thân, cần chú ý hơn khi trong nhà có người già, trẻ nhỏ, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cho người xung quanh.

Thao chỉ đạo ban hành ngày 28/12, UBND Hà Nội yêu cầu tăng cường giám sát kiểm dịch tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài; hành khách nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ; tăng cường rà soát hành khách nhập cảnh. Đối với các chuyến bay có hành khách đến từ quốc gia có sự xuất hiện của biến thể Omicron thì bắt buộc cách ly tập trung, bất kể đã tiêm vaccine hoặc đã mắc Covid-19 trước đó.

Theo cập nhật của UBND Hà Nội, huyện vùng xanh duy nhất hiện nay là Phúc Thọ; 21 quận, huyện, thị xã ở cấp độ 2 và có 8 quận cấp độ 3 (nguy cơ cao - vùng cam) gồm Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm và Tây Hồ.

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội cần làm gì khi số ca chuyển nặng, tử vong tăng nhanh?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).