Hẩm hiu số phận cổ phiếu của những đại gia một thời lừng lẫy

22/09/2022 08:44

Trước khi các vụ thao túng chứng khoán bị phanh phui, cổ phiếu nhóm FLC, Louis từng gây sốc với đồ thị hình cây thông. Giá cổ phiếu được kéo tăng mạnh, không ít nhà đầu tư 'kịp sóng' có thể chốt lời đậm. Nhưng đến nay, cũng không ít người lao đao vì, cổ phiếu 'tuột dốc không phanh', bán không người mua, thậm chí bị đình chỉ giao dịch, hủy niêm yết.

Cổ phiếu bị thao túng lần lượt rời sàn

Từng là cổ phiếu thuộc rổ VN30 đưa ông Trịnh Văn Quyết trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán, nhưng đến nay số phận các mã "họ" FLC hẩm hiu, cổ đông lao đao vì cổ phiếu nằm trong vụ thao túng chứng khoán.

Hiện 3 mã FLC, ROS, HAI đã phải rời sàn vì những vi phạm kéo dài, doanh nghiệp không khắc phục. Những cổ phiếu còn giao dịch như AMD, ART, KLF, giá giảm sâu, chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/cổ phiếu.

Ở ngày giao dịch cuối cùng trước khi bị đình chỉ, cổ phiếu FLC đóng cửa ở mức 3.570 đồng/cổ phiếu. HAI đóng cửa ở mức giá 1.580 đồng/cổ phiếu. ROS rời HoSE ở mức 2.510 đồng/cổ phiếu.

Giá chào sàn của các mã "họ" FLC chỉ từ vài nghìn đồng/cổ phiếu, như ART chào sàn giá 5.000 đồng/cổ phiếu, sau đó được kéo tăng cả chục lần, trở thành những cổ phiếu siêu đầu cơ.

Đồ thị "cây thông" của ROS, cũng tương tự ở nhiều mã họ FLC

Đồ thị "cây thông" của ROS, cũng tương tự ở nhiều mã họ FLC

Với thị giá từng thuộc nhóm cao nhất sàn chứng khoán (187.000 đồng/cổ phiếu), ngày 5/9 cổ phiếu ROS đã bị hủy niêm yết. Trước đó, ROS từ 12.600 đồng/cổ phiếu ở ngày giao dịch đầu tiên niêm yết đã tăng vọt lên 187.000 đồng/cổ phiếu sau điều chỉnh vào đầu năm 2017.

Khi ấy, ROS lọt danh sách 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh những nhà đầu tư kịp "lướt sóng", nhiều quỹ ngoại cũng từng thắng lớn với ROS. ROS cũng từng là mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất. Trái ngược với quá khứ huy hoàng, đến nay, 38.000 cổ đông ROS chịu cảnh cổ phiếu đóng băng, chỉ còn biết ngóng ngày mã này được giao dịch trên UPCoM.

Với FLC, cổ phiếu này cũng tăng giá mạnh ngay thời điểm mới chào sàn, từng đạt đỉnh hồi tháng 3/2012 quanh mức giá 26.570 đồng/cổ phiếu. Nhưng cùng từ đó, FLC lại mất thêm 10 năm, sau chuỗi ngụp lặn mới quay về được vùng đỉnh cũ. Bị đình chỉ giao dịch khi cổ phiếu rớt sâu về mức 3.570 đồng, FLC từng có chuỗi phiên mất thanh khoản, bán tháo không người mua, sau khi vụ thao túng chứng khoán bị phanh phui.

Tương tự FLC, ROS, các cổ phiếu khác trong "họ" FLC hiện cũng giao dịch hẩm hiu, thị giá không nổi cốc trà đá. Tất cả cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – cựu chủ tịch Tập đoàn FLC đều bị xử lý vi phạm về công bố thông tin. Các mã đang giao dịch đều trong diện cảnh báo. Ngoại trừ KLF, thì 6 mã còn lại trong "họ" FLC được xác định liên quan đến vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán”, xảy ra tại CTCP Tập đoàn FLC, CTCP Chứng khoán BOS và các công ty liên quan.

Cổ phiếu nhóm Louis mất thanh khoản

Sau 5 tháng các cựu lãnh đạo Louis Holdings, Chứng khoán Trí Việt bị bắt vì thao túng chứng khoán, nhóm cổ phiếu Louis trượt dài, nhiều mã mất giá 50 - 60%. Với kết luận mới nhất của cơ quan điều tra về vụ thao túng chứng khoán xảy ra ở nhóm Louis, các cổ phiếu liên quan đồng loạt giảm sâu. Điển hình là TGG, BII đang bước sang phiên thứ 3 giảm sàn liên tiếp.

TGG, BII đang bước sang phiên thứ 3 giảm sàn liên tiếp.

TGG, BII đang bước sang phiên thứ 3 giảm sàn liên tiếp.

TGG (CTCP Louis Holdings) thời điểm đóng cửa phiên 21/9 giảm sàn xuống còn 5.450 đồng/cổ phiếu. Bên mua trống trơn, kết phiên vẫn còn gần 950.000 cổ phiếu dư bán sàn. Kể từ khi Chủ tịch bị bắt, TGG đã giảm 67%.

Cùng với TGG, BII (CTCP Louis Land) được xác định là 2 cổ phiếu bị thao túng trong vụ việc xảy ra tại CTCP Chứng khoán Trí Việt, CTCP Louis Holdings và một số công ty có liên quan.

Với BII, giá cổ phiếu tới nay đã chia đôi (giảm hơn 50%) tính từ thời điểm ông Nhân và các đồng phạm bị bắt. Kết thúc phiên hôm nay, BII giảm sàn xuống còn 3.700 đồng/cổ phiếu. Hôm nay cũng phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này. Hồi tháng 6 vừa qua, BII có thời điểm chạm "đáy” 2.700 đồng/cổ phiếu.

Cuối năm 2020, thị giá TGG trên sàn chứng khoán chỉ loanh quanh vùng 1.200-1.400 đồng/cổ phiếu. BII giao dịch ở ngưỡng 2.000-3.000 đồng. Sau khi về "nhà chung" Louis, 2 cổ phiếu này và các mã liên quan đều xây hình "cây thông", được kéo tăng sốc, sau đó giảm sâu.

Bạn đang đọc bài viết "Hẩm hiu số phận cổ phiếu của những đại gia một thời lừng lẫy" tại chuyên mục Nhân vật - sự kiện. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).