Hé lộ góc khuất cò ngư dân đi biển: Thủ đoạn 'lùa gà' đi biển

14/12/2022 14:03

'Xuống Vũng Tàu làm nghề lượm cá, việc nhẹ, lương cao, mỗi tháng 15-20 chai (triệu)' - người xe ôm miệng nói, tay đẩy anh Ngô Quốc Dược lên xe để chở đi. Câu chuyện của anh Dược và một số nạn nhân khác là bài học cho những người đi tìm việc làm ở các bến xe. Vụ án này đã được Bộ đội biên phòng chuyển cho Công an huyện Long Điền gần 8 tháng và dư luận vẫn đang trông chờ vụ việc được khởi tố.

Từ nhặt cá bị đẩy đi biển

Ngư dân Ngô Quốc Dược lật qua lật lại tấm danh thiếp mang tên Thảo Linh - Trung tâm giới thiệu việc làm. Trình độ văn hóa của Dược vẫn khá hơn các ngư dân miền Tây đang đứng gần đó và nghe các chị môi giới việc làm tại bến xe An Sương giới thiệu “cứ xuống vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu, kiếm việc nhẹ, lương cao”. Dược đánh tiếng hỏi “giới thiệu có 6 nghề như khách sạn, quán ăn, bán cà phê, làm công ty may mặc, không thấy nói gì tới nghề biển, nhưng tại sao lại tuyển ngư dân xuống Bà Rịa-Vũng Tàu?”.

Một tàu giã cào ở miền Tây ảnh: Hà Anh Đức

Một tàu giã cào ở miền Tây ảnh: Hà Anh Đức

Đó là vào ngày 11/3/2022, tại bến xe An Sương (TPHCM), sau một hồi giao kèo, người phụ nữ tên Linh quả quyết rằng “em cứ xuống đó, thu nhập tốt lắm”. Nghe có vẻ bùi tai nên Dược bắt đầu sa chân vào đường dây cò từ bến xe tới xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Nếu Dược biết cách khi xuống địa bàn này thì phải xin gặp trực ban Đồn Biên phòng Phước Tỉnh để gửi lại bản sao chụp căn cước, số điện thoại thì cò sẽ không dám lộng hành.

Từ TPHCM đi thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ 90 km, nhưng bác xe ôm “tốt bụng” đã chốt số tiền tại nhà một cò ở xã Phước Tỉnh là 3 triệu đồng tiền công. Tất nhiên là Dược không thể thanh toán số tiền này nên phải ký ngay lập tức vào sổ nợ, món tiền đầu tiên cũng là sợi dây buộc giữ ngư dân và cò. Gây nợ, ký giấy là chiêu đầu tiên để cò ngư dân có cớ bao vây, cầm chân. Nếu những thanh niên bị dụ dỗ đi biển ngoài ý muốn và định bỏ về nhà thì phải bồi thường gấp 2 lần.

Dược ú ớ với công việc mới là đi biển. Dược từ vùng quê trung du xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vào tạm trú tại tỉnh Tây Ninh (63 Linh Lộc, Linh Sơn, TP Tây Ninh), nên rất sợ sông nước. Vậy nhưng, khi rơi vào tay cò, cộng với tờ giấy nợ, Dược bị biến thành ngư dân đi biển. Sau này Bộ đội biên phòng đã xác minh và cho Dược biết, cò này là ông Tư Hào, ở ấp Phước Tân, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền. Dược định kiếm đường tự tử.

Các nạn nhân bị ép viết giấy “nói tốt” cho cò và thuyền trưởng, nhưng thực tế thì ngược lại ảnh: Hà Anh Đức

Các nạn nhân bị ép viết giấy “nói tốt” cho cò và thuyền trưởng, nhưng thực tế thì ngược lại ảnh: Hà Anh Đức

Ngày 16/3/2022, cò đưa Dược đi từ Phước Tỉnh sang Bến Đá rồi dùng đò ngang trốn trạm kiểm soát biên phòng, đưa Dược xuống tàu đánh cá BV 9162 TS để đi biển. Khi đưa xuống tàu, một cò khác tên là Nguyễn Tấn Phu đứng ra lo liệu. Khi tàu ra khơi, Dược lại một lần nữa định nhảy xuống biển tự tử vì khốn quẫn với cảnh say sóng vì cả đời chưa từng đi biển. Ông thuyền trưởng không đánh đập, cưỡng ép và sau đó gửi Dược vào bờ thông qua một tàu thu mua cá.

Thủ đoạn của cò

Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vừa thụ lý vụ 2 ngư dân đi biển và bị ngược đãi, hành hạ trên tàu cá vì không có khả năng đi biển. Thương tích của các ngư dân này là gãy xương sườn, bị nhổ răng, kẹp kìm vào nhiều bộ phận trên người. Thông thường, những ngư dân bị cò chuyển giao lại cho chủ tàu thì thân phận của họ trở nên bèo bọt hay được đãi ngộ tốt tùy thuộc vào đạo đức của thuyền trưởng. Tháng 7/2020, Đồn Biên phòng Bến Đá thụ lý vụ việc anh Lê Văn Tuấn (SN 1996, quê ở xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) và anh Yninie (SN 1998, quê ở xã Iahiu, huyện Krong Pack, tỉnh Đắk Lắk) muốn thoát khỏi tàu cá nên đã nhảy xuống biển.

Chứng minh nhân dân nạn nhân Ngô Quốc Dược

Chứng minh nhân dân nạn nhân Ngô Quốc Dược

Vụ việc này xảy ra cách đây 2 năm, nhưng chúng tôi lật lại hồ sơ nhằm đưa ra những lời khuyên hữu ích cho những người đi tìm việc nhẹ, lương cao và được mai mối từ các bến xe ở TPHCM.

Tuấn và Yninie khai, được các chị ở bến xe An Sương (TPHCM) môi giới và chuyển lòng vòng qua nhiều cò ngư dân đi biển ở Kiên Giang, qua Bến Tre, sau đó đưa về tiếp thành phố Vũng Tàu. Tuấn luôn nài nỉ, quỳ lạy các chủ tàu ở Kiên Giang và Vũng Tàu về việc “không thể đi biển, say sóng chỉ muốn chết”. Nhưng chủ tàu đều trả lời đã mua từ cò.

Tuấn lên tàu và gặp Yninie, cả 2 bàn mưu thoát thân. Khi chiếc tàu đánh cá vừa ra tới gần cửa biển Bến Đá, thành phố Vũng Tàu, hai người ôm phao nhảy xuống nước để gây sự chú ý và được tàu cá BV 7105 TS vớt lên, chở vào chốt kiểm soát tàu thuyền Biên phòng Bến Đá. Hai nạn nhân đã viết đơn tố cáo để Đồn Biên phòng Bến Đá chuyển cho cơ quan Công an huyện Long Điền điều tra, làm rõ. Trước khi về quê, 2 thanh niên đều hỏi về việc “khi nào thì vụ án này sẽ được công an khởi tố, hay để chìm xuồng?”.

Những “trung tâm” mập mờ

Từ các hồ sơ vụ việc và lời khai của ngư dân, chúng tôi nhận thấy có một số ngư dân từ bị cò môi giới cho chủ tàu, sau đó trở thành bạn chài trung thành trên tàu cá và có thu nhập ổn định. Nhưng bên cạnh đó cũng chia sẻ những thủ đoạn của các “trung tâm” môi giới chuyên “lùa gà” xuống biển.

Một địa chỉ được nhắc đến khá nhiều là Trung tâm giới thiệu việc làm Thảo Linh tại địa chỉ 52/7 Quốc lộ 22, Đông Lân, Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM. Anh Lữ Văn Tư (SN 2000, quê ở xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) khai báo với Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu về việc đã được nhân viên ở trung tâm môi giới này giới thiệu nghề nhặt cá ở vùng biển, mức lương 12 triệu đồng/tháng. Nhưng khi xuống làng chài thì “dính chân” vì phải viết giấy nợ.

Cò Tư Hào ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền là cái tên cũng được các nạn nhân nhắc đến khá nhiều. Ngày 17/9/2022, thông qua cò Tư Hào, anh Lữ Văn Tư bị đưa lên tàu cá BV 97278 TS để đi biển. Khi ra biển, anh Tư say sóng, mất sức thì bị một người nhà chủ tàu hành hung, đánh đập. Dù ngược đãi và luôn tìm cách giam cầm ngư dân, nhưng các đối tượng cò tìm cách thoát tội bằng cách bắt ngư dân viết giấy nói về “hành động tốt” của cò.

Hầu hết các vụ ngư dân đào thoát được là nhờ kịp thời thông báo cho đồn biên phòng. Các chốt kiểm tra tàu cá trên sông của Bộ đội biên phòng đều công bố đường dây nóng và ngư dân có thể gọi bất cứ lúc nào.

Hầu hết các vụ ngư dân đào thoát được là nhờ kịp thời thông báo cho đồn biên phòng. Các chốt kiểm tra tàu cá trên sông của Bộ đội biên phòng đều công bố đường dây nóng và ngư dân có thể gọi bất cứ lúc nào.

Tại các chốt xuất nhập tàu cá, Bộ đội biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu đều để bảng thông báo không được ép buộc ngư dân đi biển, test ngẫu nhiên ngư dân để phát hiện có sử dụng ma túy, cấm sử dụng trẻ em và người tàn tật đi biển.

Khi có dấu hiệu bị cò hoặc thuyền trưởng ép buộc, đánh đập, ngư dân cần gọi cho Bộ đội biên phòng qua đường dây nóng: 0982214228.

Bạn đang đọc bài viết "Hé lộ góc khuất cò ngư dân đi biển: Thủ đoạn 'lùa gà' đi biển" tại chuyên mục Đời sống. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).