Khối ngoại bán ròng kỷ lục 2,5 tỷ USD trong 11 tháng

01/12/2021 14:16

Nước ngoài bán ròng kỷ lục nhưng không còn tác động quá lớn đến thị trường chứng khoán. Áp lực bán chủ yếu ở các mã HPG, VPB, VNM và VIC.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang khá sôi động, trở thành kênh dẫn vốn và đầu tư khá hiệu quả trong năm nay. Ngay trong tháng 11, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng lịch sử 1.500 điểm và chỉ bị điều chỉnh gần đây do lo ngại về biến thể virus mới Omicron.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, VN-Index đứng ở mức trên 1.478 điểm, tương ứng tăng hơn 34 điểm (2,4%) so với cuối tháng trước. Tính từ đầu năm, chỉ số này tăng trưởng 34% và nằm trong số các chỉ số chứng khoán tích cực nhất thế giới.

Dù bối cảnh chung tích cực, giao dịch khối ngoại lại trở thành điểm trừ lớn nhất của thị trường. Nhóm nhà đầu tư này bán ròng 227 triệu cổ phiếu trên toàn thị trường, tương ứng giá trị hơn 8.900 tỷ đồng.

Bán ròng kỷ lục 2,5 tỷ USD

Tính lũy kế 11 tháng đầu năm, dòng vốn ngoại đã bán ròng tổng cộng 57.659 tỷ đồng (hơn 2,5 tỷ USD) trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trước đó trong năm 2020, khối ngoại cũng bán ròng khủng 16.000 tỷ đồng và nhà đầu tư kỳ vọng họ có thể quay lại mua ròng khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, độ bao phủ của vaccine tăng lên cũng như kỳ vọng về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên diễn biến thị trường đang đi ngược kỳ vọng, lượng bán ròng trên 2,5 tỷ USD tại các sàn chứng khoán trong nước là mức cao nhất Đông Nam Á. Con số này thậm chí bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường lớn là Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Tính riêng tại sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8.677 tỷ đồng trong tháng vừa qua và là tháng rút vốn thứ 4 liên tiếp. Lũy kế dòng vốn này bán ròng tổng cộng khoảng 55.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam.

Tại sàn niêm yết quy mô nhỏ hơn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 423 tỷ đồng ở tháng 11, tăng 27% so với tháng liền trước và lũy kế đã rút ròng tổng cộng hơn 1.130 tỷ đồng.

Ở sàn giao dịch UPCoM, khối ngoại bất ngờ là đối tượng mua ròng trở lại 192 tỷ đồng trong tháng 11. Tuy nhiên tính chung từ đầu năm thì nhóm nhà đầu tư trên vẫnị bán ròng ở mức gần 1.600 tỷ đồng.

Xét riêng từng cổ phiếu, HPG của Hòa Phát là mã bị rút ngoài mạnh tay rút vốn nhiều nhất. Tổng khối lượng rút ròng là 333 triệu cổ phiếu với giá trị bán ròng gần 17.400 tỷ đồng tính từ đầu năm.

Một số mã khác cũng bị nước ngoài bán ròng rất mạnh trên 5.000 tỷ đồng. Theo thứ tự là VPB của ngân hàng VPBank, VNM của Vinamilk, VIC của tập đoàn Vingroup và CTG của ngân hàng VietinBank.

Ở chiều ngược lại vẫn có một số cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài rót vốn đáng kể. Trong đó STB của ngân hàng Sacombank được mua ròng mạnh nhất với gần 148 triệu cổ phiếu, tương ứng giá tị 4.053 tỷ đồng kể từ đầu năm.

Một số mã khác cũng được khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng, lần lượt bao gồm VHM của Vinhomes, FUEVFVND của chứng chỉ quỹ DCVFMVN Diamond, MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động, THD của Thaiholdings, PLX của Petrolimex, FUESSVFL của chứng chỉ quỹ SSIAM VNFin Lead và cuối cùng là TPB của TPBank.

Mức độ tác động không còn lớn

Thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn đạt khoảng 50 tỷ USD, gần với mức đầu năm, cho thấy nhóm này chỉ mới bán chứng khoán chứ chưa thật sự rút tiền khỏi Việt Nam.

Áp lực bán của khối ngoại là có nhưng mức độ tác động đến chứng khoán trong nước đã giảm dần. Nhà đầu tư trong nước đang gia nhập ngày càng lớn và trở thành nhân tố chủ chốt dẫn dắt đà đi lên của thị trường chung.

Thống kê từ HoSE cho thấy tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong các tháng gần đây chiếm khoảng 5% tổng thanh khoản thị trường, trong khi tỷ trọng vào thời điểm đầu năm nay vẫn còn trên 10% thanh khoản mỗi phiên.

Trao đổi trên talkshow Phố Tài chính, ông Dominic Scriven, chủ tịch Dragon Capital nêu quan điểm việc khối ngoại bán ròng mạnh là tổng hợp của nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là việc xác định vai trò của Việt Nam trên các thị trường vốn của nước ngoài. Việt Nam được xem là thị trường cận biên và đầu tư vào các thị trường cận biên đang kém hấp dẫn hơn, cần được thay thế. Chính vì vậy khối ngoại đã phải bán đi các khoản đầu tư của tại đây.

Trong khi Việt Nam vẫn chưa được xét vào các thị trường mới nổi nên đã hạn chế khả năng để thu hút vốn ngoại. Cuối cùng là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phản ứng bình thường là muốn rút vốn về quê nhà.

Bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài như khả năng tiếp cận đủ thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Anh khá hạn chế, quy định về gửi tiền trước qua tài khoản chứng khoán vẫn chưa được dỡ bỏ, room ngoại ở một số công ty đã cạn...

Đồng quan điểm, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận Đầu tư Vinacapital cho rằng việc mở tài khoản chứng khoán ở Việt Nam tương đối phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài khiến sự gia nhập bị hạn chế và số lượng sản phẩm đầu từ trên thị trường cũng ở mức hạn chế.

Chuyên gia của VinaCapital tin tưởng khối ngoại sẽ quay trở lại nhưng quan trọng là Việt Nam cần có thêm sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Ông hy vọng sẽ có một số sản phẩm phái sinh để cho nhà đầu tư trong và nước ngoài cùng tham gia.

Bên cạnh đó ông Andy Ho cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, theo tiêu chí của MSCI.

Bạn đang đọc bài viết "Khối ngoại bán ròng kỷ lục 2,5 tỷ USD trong 11 tháng" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).