Lạm phát ở Mỹ lại tăng cao, chạm mốc kỷ lục mới

14/07/2022 09:14

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở nước này trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.

Theo dữ liệu do Cục Thống kê lao động thuộc bộ Lao động Mỹ công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất của lạm phát ở Mỹ trong hơn 40 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% ghi nhận trong tháng 5.

Ngoài ra, con số lạm phát này cũng cao hơn so với mức dự báo 8,8% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó – theo dữ liệu của Refinitiv. Nếu so với tháng 5, giá cả tiêu dùng ở Mỹ tăng 1,3%.

Phần lớn lạm phát của tháng 6 là do giá xăng tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, giá xăng ở nước này đã tăng gần 60%. Người Mỹ phải đi bơm xăng trong tháng 6 với mức giá cao chưa từng thấy trong lịch sử, bình quân toàn quốc vượt 5 USD/gallon xăng.

Giá điện và giá khí đốt ở nước này cũng tăng, với mức tăng tương ứng 13,7% và 38,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung, giá năng lượng ở Mỹ đã tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2021.

lam phat o my lai tang cao cham moc ky luc moi
Bảng điện tử giá xăng ở Philadelphia, Mỹ ngày 12/7. Ảnh: AP.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát tăng cao sẽ gây sức ép buộc Cục Dự trữ liên bang tiếp tục tăng lãi suất cơ bản cao hơn so với dự kiến và điều này cũng làm gia tăng nguy cơ nền kinh tế Mỹ đi vào suy thoái.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ tháng trước đã nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên biên độ 1,5%-1,75%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1994. Với mức lạm phát tiếp tục tăng như hiện nay, cơ quan này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản, có thể ở mức từ 0,5% tới 0,75% trong cuộc gặp chính sách sắp tới của mình trong tháng này.

Trước hậu quả của cuộc suy thoái do đại dịch trong năm 2020, khi người Mỹ tập trung chi tiêu vào các mặt hàng gia đình, như đồ nội thất, thiết bị gia dụng và thiết bị tập thể dục, chuỗi cung ứng trở nên quá tải và giá hàng hóa tăng vọt. Nhưng khi chi tiêu của người tiêu dùng dần chuyển hướng khỏi hàng hóa và sang các dịch vụ như du lịch nghỉ dưỡng, ăn uống tại nhà hàng, xem phim, hòa nhạc và sự kiện thể thao, một số mức tăng giá cao nhất đã xảy ra đối với ngành dịch vụ.

Đặc biệt, nhà ở nằm trong nhóm có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong nền kinh tế, gây ra khó khăn cho nhiều người. Tình trạng thiếu nhà để bán đã khiến giá nhà tăng chóng mặt cũng như lãi suất thế chấp tăng theo.

Giá nhà bán quá cao khiến nhiều người tìm thuê cũng đẩy giá thuê nhà tăng cao. Giá nhà trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã tăng 14,8% trong tháng 5 so với một năm trước đó lên 407.600 USD/căn. Đó là mức cao nhất mọi thời đại theo dữ liệu tính đến năm 1999 của Hiệp hội môi giới quốc gia.

Bạn đang đọc bài viết "Lạm phát ở Mỹ lại tăng cao, chạm mốc kỷ lục mới" tại chuyên mục Kiến Thức Tài Chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).