Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Các nền kinh tế mới nổi tại châu Á đã tăng dữ trữ ngoại hối lên mức cao nhất kể từ năm 2014, qua đó tạo ra tấm đệm an toàn trước khả năng biến động mạnh của thị trường nếu như Fed đổi hướng chính sách.
Lượng dự trữ ngoại hối của các NHTW ở các nền kinh tế mới nổi châu Á chạm mức 5,82 nghìn tỷ USD tính tới tháng 5/2021, cao nhất kể từ tháng 8/2014. Khi loại trừ phần dự trữ của Trung Quốc, dự trữ ngoại hối tại các nền kinh tế mới nổi châu Á vẫn ở mức cao nhất mọi thời đại 2,6 nghìn tỷ USD.
Trong đó, một phần đà tăng của dự trữ ngoại hối đến từ đà giảm của đồng USD và kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, các nhà quyết sách cũng cẩn trọng chuẩn bị tư thế phòng thủ, Nicholas Mapa, Chuyên gia kinh tế tại ING Groep NV ở Manila.
“Các nền kinh tế mới nổi chắc chắn đang dựa trên bài học của quá khứ”, ông Mapa cho biết. “Họ đều chú ý tới bước thay đổi chính sách tiền tệ ở các nước phát triển và hậu quả có thể xảy ra từ việc Fed siết van hoặc nâng lãi suất”.
Mặc dù Fed được kỳ vọng duy trì lập trường bồ câu trong cuộc họp tuần này, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng đà hồi phục của nền kinh tế Mỹ có thể buộc Fed phải ra tín hiệu thay đổi chính sách sớm hơn dự báo. Các NHTW ở Hàn Quốc và New Zealand cho biết đà hồi phục của nền kinh tế có thể đã đủ để nâng lãi suất.
Hiện tượng taper tantrum
Năm 2013, cựu Chủ tịch Ben Bernanke phát tín hiệu Fed sẽ bắt đầu giảm bớt quy mô mua tài sản và điều này đã gây chấn động khắp châu Á, khiến thị trường chứng khoán lẫn tiền tệ lao dốc. Hiện tượng này được biết tới với cái tên “Taper Tantrum”.
Nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy và lợi suất trái phiếu tăng vọt, buộc các NHTW phải dùng dự trữ ngoại hối để bảo vệ đồng tiền của mình. Trong quá khứ, lợi suất ngày càng tăng đã dẫn tới sự biến động tỷ giá và thúc đẩy chi phí đi vay trong khu vực.
Bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Fed sắp siết van bơm tiền cũng sẽ tác động tới tấm đệm an toàn của các nước, bao gồm thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối, Tuuli McCully, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Scotiabank, cho hay.
“Có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia trong khu vực và một số nước sẽ dễ bị tổn thương hơn trước sự biến động của thị trường tài chính và dòng vốn chảy ra khỏi thị trường”, bà cho biết.
Dù vậy, lần này, các NHTW châu Á có thể đối mặt với sự thay đổi của Fed với dự trữ ngoại hối dồi dào. Tháng 5/2021, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tăng lên cao nhất trong 5 năm ở mức 3,22 nghìn tỷ USD, nhờ đồng USD suy yếu và dòng vốn vào tăng mạnh.
Xây dựng thế phòng thủ
Các cơ quan chức trách Ấn Độ - vốn vẫn còn ám ảnh bởi hiện tượng Taper Tantrum – đã tăng dự trữ ngoại hối lên hơn 600 tỷ USD. Trước đó trong năm nay, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ tích tắc vượt Nga và trở thành nước có dự trữ lớn thứ 4 trên thế giới.
Shaktikanta Das, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), cho biết tấm đệm an toàn sẽ giúp nền kinh tế châu Á này bớt bị tác động bởi sự biến động trên toàn cầu.
Tại Philippines, dự trữ ngoại hối của NHTW được dự báo chạm mức kỷ lục 114 tỷ USD trong năm nay. Trong khi đó, Đài Loan tăng lên 542,98 tỷ USD trong tháng 5/2021, gần bằng mức kỷ lục xác lập trong tháng 2/2021. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc tăng lên 456,46 tỷ USD trong tháng 5/2021.
Trong khi đó, dự trữ của Indonesia giảm từ mức kỷ lục xuống 136,4 tỷ USD trong tháng 5/2021, mức thấp nhất trong 5 tháng. Điều này là do Chính phủ nước này phải trả nợ nước ngoài.
So với năm 2013, các quốc gia châu Á khó bị tổn thương hơn, Radhika Rao, Chuyên gia kinh tế tại DBS Bank, nhận định.
Theo Bloomberg