Ảnh minh họa - Ảnh: CNBC.
Thị trường chứng khoán Mỹ đảo ngược xu thế giảm vào đầu phiên và chốt với màu xanh rực rỡ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (15/12), vượt qua một trong những thách thức lớn nhất đối với giá cổ phiếu trong những ngày cuối cùng của năm 2021, cho dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuyên bố đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản hàng tháng và dự kiến tăng lãi suất nhiều lần trong năm tới.
Giá dầu thô cũng chuyển từ giảm sang tăng, mặc nỗi lo về biến chủng Omicron và sự gia tăng của nguồn cung.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,63%, đạt 4.709,85 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 1,085, đạt 35.927,43 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,15%, đạt 15.565,58 điểm.
Cả ba chỉ số cùng ở trong trạng thái giảm trước khi Fed công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày. Khi tuyên bố của Fed được đưa ra, sắc đỏ trên các bảng giá cổ phiếu lập tức chuyển thành xanh và các chỉ số đồng loạt mạnh mẽ đi lên.
Fed tuyên bố sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm nới lỏng định lượng (QE), tức chương trình mua tài sản hàng tháng. Theo đó, Fed sẽ chỉ mua 90 tỷ USD trái phiếu trong tháng 12, và bắt đầu giảm còn 60 tỷ USD mỗi tháng kể từ tháng 1. Trước khi bắt đầu cắt giảm từ tháng 11, chương trình này có quy mô 120 tỷ USD mỗi tháng.
Động thái đẩy nhanh cắt giảm QE được Fed đưa ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương này đương đầu với mức lạm phát ở Mỹ cao nhất gần 4 thập kỷ. Trước cuộc họp này, Fed đã phát tín hiệu và thị trường cũng đã kỳ vọng Fed có một động thái như vậy.
Việc Fed rút ngắn thời gian tiến tới kết thúc QE mở đường cho một sự dịch chuyển chính sách quan trọng, theo đó lãi suất cơ bản của Fed có thể bắt đầu tăng trong năm tới. Sau cuộc họp, Fed cũng phát tín hiệu có thể tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
“Giờ đây, tôi đã thấy lãi suất sẽ dịch chuyển và điều đó sẽ xảy ra với tốc độ như thế nào. Sự bấp bênh đã được loại bỏ khỏi thị trường. Từ góc độ nhà đầu tư cổ phiếu, giờ đây họ chỉ cần tập trung vào các vấn đề lợi nhuận và tăng trưởng”, chiến lược gia Jim Caron của Morgan Stanley Investment Management nhận định.
“Thị trường gần như thở phào, vì Fed đã không cứng rắn hơn họ tưởng. Tất cả những gì Fed công bố đều đã nằm trong dự báo từ trước”, ông Caron nói thêm.
Giá cổ phiếu Apple tăng gần 3%, giữ vai trò dẫn đầu sự đi lên của thị trường trong phiên này và duy trì đà tăng gần đây. Các cổ phiếu Big Tech khác như Microsoft và Netflix cũng tăng. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ không nằm xu hướng tăng của thị trường phiên này, như cổ phiếu hai công ty y tế UnitedHealth và Amgen tăng tương ứng 3,1% và 2,6%.
“Lãi suất có thể tăng 3 lần trong năm 2022 là điều khiến một số người lo lắng, nhưng chúng ta vẫn đang ở trong một môi trường lãi suất thấp lịch sử. Thị trường cũng thường tăng điểm khi bức tranh tương lai trở nên rõ ràng hơn, mà rõ ràng Fed đã mang lại một bức tranh như vậy”, chiến lược gia Mike Loewengart của E-Trade Financial phát biểu.
Giá cổ phiếu ngân hàng giảm phiên này cho dù Fed phát tín hiệu tăng lãi suất 3 lần trong năm tới. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và 10 năm tăng với mức tương tự sau tuyên bố của Fed. Đây là lý do khiến cổ phiếu ngân hàng giảm, vì các ngân hàng thường lợi hơn khi lãi suất dài hạn tăng nhiều hơn lãi suất ngắn hạn, bởi họ sẽ được hưởng chênh lệch từ việc vay ngắn hạn và dùng vốn đó để cho vay dài hạn.
Những bấp bênh về cuộc họp của Fed đã trở thành mối lo lớn nhất của giới đầu tư ở Phố Wall trong tuần này, khi nhà đầu tư tạm gác sang bên nỗi lo về Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm thứ Ba cảnh báo biến chủng Omicron đang lan nhanh hơn các biến chủng trước và có thể đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nước Anh ngày 15/12 công bố số ca nhiễm mới hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,18 USD/thùng, tương đương tăng 0,24%, chốt ở 73,88 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,14 USD/thùng, tương đương tăng 0,2%, chốt ở 70,87 USD/thùng.
Phiên tăng này chấm dứt chuỗi ba phiên giảm trước đó của giá dầu và đảo ngược xu thế giảm vào đầu phiên, khi nhà đầu tư lo lắng về những dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu của thế giới có thể vượt nhu cầu trong năm tới. Một mối lo khác là cảnh báo của WHO về việc các vaccine Covid-19 hiện có dường như giảm hiệu quả trong việc chống lây nhiễm do biến chung Omicron.
Theo giới phân tích, việc Fed đưa ra những quyết định không nằm ngoài dự báo đã giúp giải tỏa sự bất an, đồng thời có thể được xem như một “lá phiếu niềm tin” vào triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Nhờ đó, giá cổ phiếu và giá dầu đã có một phiên tăng.