Cổ phiếu tăng giá gấp gần 4 lần
Kết thúc phiên giao dịch 14/9, VN-Index dừng lại ở 1.339,7 điểm, trong khi VN30-Index là 1.438,16 điểm, lần lượt giảm 0,13% và 0,47%. Hai chỉ số này lần lượt thấp hơn 6% và 8% so với mức đỉnh được thiết lập vào đầu tháng 7.
Trái với giao dịch giằng co ở nhóm vốn hóa lớn, hàng loạt cổ phiếu midcap, penny vẫn âm thầm bứt phá và tạo đỉnh lịch sử.
Tại thị trường UPCoM, cổ phiếu KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình đã tăng trần trong 10 liên tiếp và tiếp tục tăng kịch biên độ trong phiên sáng 15/9. Từ khi đà tăng xuất hiện vào giữa tháng 8, nhà đầu tư nắm giữ KHB đã thu về khoản lãi hơn 272%, gần gấp bốn lần số vốn ban đầu.
Cổ phiếu KHB liên tục tăng trần trong thời gian gần đây. (Nguồn: TradingView). |
Trước đó vào tháng 4, KHB từng "gây bão" trên thị trường khi tăng 200% chỉ trong nửa tháng, từ mức giá 1.700 đồng/cp lên 5.100 đồng/cp vào ngày 16/4. Đà tăng xuất hiện sau khi KHB được đưa ra khỏi diện hạn chế giao dịch.
Thông tin thêm, tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính công ty năm 2017, 2018, dẫn đến việc phải hủy niêm yết HNX từ ngày 17/6/2019.
Tuy nhiên ngay sau khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, Chủ tịch HĐQT Khoáng sản Hòa Bình cùng người nhà liên tục đăng ký bán ra toàn bộ cổ phần đang nắm giữ khiến giá cổ phiếu liên tục lao dốc và chỉ tăng mạnh trở lại kể từ nửa cuối tháng 8.
Ngay trước khi cố phiếu bước vào nhịp tăng "phi mã", em ruột Chủ tịch HĐQT KHB đã đăng ký bán ra toàn bộ 23.000 cổ phiếu đang nắm giữ từ ngày 18/8 đến ngày 13/9 do nhu cầu cá nhân.
Công ty gần như không hoạt động, lỗ ròng liên tiếp trong nhiều năm
Về hoạt động, CTCP Khoáng sản Hòa Bình có địa chỉ tại tỉnh Hòa Bình chuyên đầu tư khai thác mỏ đất sét, đá thạch anh, sản xuất và kinh doanh sản phẩm từ khoáng phi kim như gạch, vật liệu xây dựng từ đất sét, xi măng, vôi, thạch cao...
Tuy vậy, từ quý II/2014, công ty đã không còn hoạt động kinh doanh bình thường. Để có số liệu thể hiện doanh số hoạt động kinh doanh, Ban lãnh đạo cũ đã mua hóa đơn đầu vào và xuất hóa đơn đầu ra khống từ quý II/2014 đến hết quý II/2017. Sau khi chuyển giao sang Ban lãnh đạo mới, KHB đã gửi công văn giải trình đến Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Đến năm 2020, công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu trở lại hơn 287 triệu đồng. Tuy sau khi khấu trừ các chi phí, công ty báo lỗ ròng 271 tỷ đồng, khoản lỗ này đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ hơn 5 tỷ đồng trong năm 2019. Tại thời điểm 31/12/2020, KHB ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là âm 148 tỷ đồng.
Tại báo cáo soát xét bán niên năm 2021, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 191,1 triệu đồng, trong đó lợi nhuận gộp chỉ chiếm 2,1 triệu đồng. Trừ đi các chi phí, KHB lỗ ròng 108,5 triệu đồng, gần tương đương với mức lỗ cùng kỳ năm 2020. Tính đến 31/6/2021, KHB vẫn lỗ lũy kế 148,9 tỷ đồng trong khi vốn góp của chỉ sở hữu chỉ là 290,7 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại thời điểm cuối quý II là 210,7 tỷ đồng, giảm gần 200 triệu đồng so với đầu năm 2021. Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và cho vay ngắn hạn là 82,7 tỷ đồng, trong đó có tới 84,2 tỷ đồng nợ xấu không có khả năng thu hồi. Công ty đã thực hiện trích lập dự phòng cho những khoản trên.
Nguyên giá hàng tồn kho trong kỳ là 18,8 tỷ đồng, tuy vậy công ty đã thực hiện trích lập toàn bộ do suy giảm giá trị. Trong số 96,5 tỷ đồng đầu tư vào các công ty con, liên doanh liên kết, KHB cũng trích lập dự phòng cho 40,5 tỷ vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất Công nghiệp Đại Việt và CTCP Khai thác và Chế biến Khoáng sản Yên Bái.
Nhìn chung, khoản đóng góp lớn nhất trên tổng tài sản công ty là khoản phải thu dài hạn 153,4 tỷ đồng, chủ yếu của CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Gia lai và CTCP Sơn Penmax. Đây là hai hợp đồng hợp tác đầu tư giữa hai đối tác với KHB nhằm đầu tư dây chuyền sản xuất gạch từ năm 2015 và mở rộng quy mô của nhà máy tại Hà Tĩnh. Tỷ lệ góp vốn mỗi bên là 50%, với lợi nhuận thu được sẽ chia đều 50:50. Tuy vậy từ năm 2019 đến nay, công ty không ghi nhận khoản thu từ hai dự án này.