Ngày 21-6-1925: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

21/06/2022 09:49

Ngày 21-6-1925, Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức ra đời, góp phần chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 21-6-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 21-6

Sự kiện trong nước

- Từ ngày 21-6 đến 4-7-1977: Diễn ra Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai, khóa IV.

- Bộ đội Không quân của ta đã bắn rơi tại Thanh Hóa chiếc máy bay không người lái đầu tiên của giặc Mỹ vào ngày 21-6-1965.

 

bo-doi-phong-khong-1-1655777186.jpg

Đại đội I pháo cao xạ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ảnh tư liệu

- Ngày 21-6-1925, tại số nhà 13 đường Văn Minh, Quảng Châu (Trung Quốc), sau khi Báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra mắt số đầu tiên thì báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành. Tại đây, báo được chuyển về nước bằng nhiều con đường bí mật và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân, tích cực truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam; về sau Báo Thanh Niên được coi là cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”.

- Ngày 21-6-1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí cách mạng là sự nghiệp của toàn dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đào tạo nhưng người làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam như Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Duy Điềm, Trương Văn Lĩnh…

Tháng 2-1985, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5-2-1985 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925). Hằng nǎm, đến ngày đó thì tổ chức kỷ niệm nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí cách mạng, nêu cao vai trò của báo chí và trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội, làm cho báo chí ngày càng có tác dụng to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; trở thành vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Sự kiện quốc tế

- Ngày 21-6-1863, Nhà thiên vǎn học Max Wolf ra đời tại Đức. Ông là người đầu tiên dùng máy ngắm nổi khám phá 228 tiểu hành tinh và một sao chổi mang tên ông. Max Wolf qua đời ngày 3-10-1932.

max-wolf-1655777223.jpg

Nhà thiên vǎn học Mácxơ Vônphơ. Ảnh: astrosurf.com. 

- Ngày 21-6-1908, Nhà soạn nhạc Rimxki Coócxacốp qua đời tại Pêtecbua (Nga). Ông sinh ngày 18-3-1844 tại vùng Nôvôgôrốt. Ông đã để lại một kho tàng âm nhạc lớn lao gồm nhiều thể loại.

- Ngày 21-6-1945, Quân đội Nhật trên đảo Okinawa đầu hàng Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II.

- Ngày 21-6-2008, cơn bão Fengshen tại Philippines nhấn chìm một chiếc phà chở 800 hành khách và thủy thủ đoàn.

Theo dấu chân Người

- Ngày 21-6-1925, tuần Báo Thanh Niên, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên ở Quảng Châu (Trung Quốc). Tờ báo còn trở thành hạt nhân tổ chức và huấn luyện đội ngũ những nhà hoạt động cách mạng. Tờ báo hoạt động đến tháng 4-1927, ra được tổng cộng 88 số báo. Ngày 21-6 trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

bao-thanh-nien-1655777264.jpg

Báo Thanh Niên được coi là cơ quan ngôn luận của tổ chức “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh

- Ngày 21-6-1946, Báo Cứu Quốc tiếp tục đăng bài “Vấn đề quân nhu và lương thực” trong loạt bài về Binh pháp Tôn Tử của Bác đề cập tới một lĩnh vực quan trọng bảo đảm thắng lợi trong chiến tranh: “Về quân sự, quân nhu và lương thực rất quan trọng. Có binh hùng, tướng giỏi, nhưng thiếu quân nhu, lương thực, không thể thắng trận được...”

- Ngày 21-6-1948, Bác gửi điện tới Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ khen đồng bào xã Giới Xuân tỉnh Gia Định về thành tích đã thanh toán xong nạn mù chữ, mong nhiều địa phương “bắt chước xã Giới Xuân” và nêu rõ: “Chúng ta cần phải đánh tan giặc dốt, cũng như đánh tan giặc ngoại xâm”.

- Ngày 21-6-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Hộ pháp Phạm Công Tắc, thủ lĩnh của đạo Cao Đài đang sống tại Campuchia nêu rõ quan điểm: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, toàn dân ta từ Bắc chí Nam, trong nước và ngoài nước đều đang kiên quyết và bền bỉ đấu tranh để thực hiện nguyện vọng tha thiết của dân tộc, là làm cho nước Việt Nam ta được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi”.

Ngày 21-6-1959, Bác viết bài “Điện Biên Phủ” (với bút danh T.L.) để rút ra những kết luận lịch sử. Bài báo nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, nguyên nhân thất bại của quân viễn chinh Pháp và khẳng định: “Khi một dân tộc đã đoàn kết chặt chẽ, vùng dậy chiến đấu để giành lại quyền độc lập của mình, thì không có lực lượng phản động nào ngăn cản được họ và họ nhất định thắng lợi”. Người kết luận bằng bốn câu thơ:

“Cũng trong một cuộc Điện Biên

Ta mừng thắng lợi, Pháp phiền xấu xa.

Trăm năm trong cõi người ta

Bên chính ắt thắng, bên tà ắt thua”.

dien-bien-phu-1655777314.jpg

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: TTXVN. 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người quan niệm, đoàn kết là lực lượng vô địch để khắc phục mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng, đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

bac-ho-1655777372.jpg

Bác Hồ với các phóng viên báo chí. Ảnh: hochiminh.vn

Trong công cuộc đổi mới đất nước, đường lối, chủ trương của Ðảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực chung sức, chung lòng cùng Ðảng, Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, tinh thần đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đem lại kết tích cực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII xác định cần phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng ta thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội. Sự lãnh đạo của Đảng chính là ngọn cờ tập hợp, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch hòng chống phá khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 8641 ra ngày 21-6-1985 đăng bức ảnh Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội các Nhà báo năm 1962.

anh-1-1655777413.jpg

Báo Quân đội nhân dân số 8641 ra ngày 21-6-1985. 

Trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 8641 ra ngày 21-6-1985 đăng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ 3 Hội Nhà báo Việt Nam (1962): “Báo chí xã hội chủ nghĩa, một phương tiện chuyên chính vô sản có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm cho đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng được thấu suốt trong mọi ngành hoạt động, động viên, hướng dẫn đông đảo quần chúng thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân...” “...Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Cũng trên trang 3 Báo Quân đội nhân dân số 8641 ra ngày 21-6-1985 có đăng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ 2 Hội Nhà báo Việt Nam (17-4-1959): “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành...) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”.

bqdnd-1655777519.jpg

 

Bạn đang đọc bài viết "Ngày 21-6-1925: Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).