Kiểm toán từ chối
CTCP Tập đoàn FLC của cựu chủ tịch Trịnh Văn Quyết và CTCP Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) cũng như Chứng khoán BOS (ART) đang nằm trong tình cảnh trớ trêu khi bị nhiều đơn vị kiểm toán từ chối.
Giải trình Sở Giao dịch Chứng khoán (HoSE) về công văn nhắc nhở việc chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC (GAB) cho hay công ty đã liên hệ và thuyết phục nhiều đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn để thực hiện Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 theo đúng quy định.
Tuy nhiên, các đơn vị kiểm toán đều từ chối hợp tác vì lý do khách quan liên quan đến vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, điều tra liên quan đến thao túng TTCK Việt Nam.
Đến nay, GAB vẫn chưa tìm được công ty kiểm toán cho mình. HoSE hôm 17/8 cũng vừa có thêm công văn mới nhắc nhở.
Tập đoàn FLC cũng ở trong trường hợp tương tự khi gặp khó khăn trong việc tìm công ty kiểm toán cho mình. Sau nhiều tháng tìm kiếm, ngày 21/7, FLC đã ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 với Công ty TNHH Kiểm toán An Việt.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2022 của FLC vẫn chưa có đơn vị nào nhận soát xét và kiểm toán.
Nhiều doanh nghiệp báo cáo tài chính sai lệch lớn.
Tập đoàn FLC đã nộp báo cáo tài chính quý I và quý II/2022 nhưng do chưa tìm được công ty kiểm toán cho năm 2022 nên khả năng không hoàn thành nghĩa vụ nộp báo cáo bán niên soát xét trước hạn chót 30/8 là hoàn toàn có thể xảy ra.
CTCP Nông dược HAI (HAI) cũng chưa tìm được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 và 2022. CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) ở trong hoàn cảnh éo le hơn khi vừa chưa tìm được công ty kiểm toán, vừa không có người đại diện theo pháp luật.
Hoang mang với các báo cáo kiểm toán
Theo quy định, kiểm toán là quá trình thu thập và đánh giá, xác thực các bằng chứng liên quan đến thông tin tài chính của DN, tổ chức nhằm xác định và báo cáo mức độ phù hợp giữa các thông tin đó đối với các chuẩn mực đã được thiết lập.
Điều này có nghĩa, các công ty kiểm toán có thể phát hành báo cáo chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính của các DN nếu đủ bằng chứng, cho dù có nghi ngờ về các bằng chứng đó hay không.
Trên thực tế, giới đầu tư đã chứng kiến rất nhiều cú sốc về các DN niêm yết cho dù có báo cáo kiểm toán của các công ty kiểm toán được các cơ quan chức năng chấp thuận.
Giới đầu tư đặt ra câu hỏi, các công ty đã kiểm toán cho các DN nhóm FLC đã làm gì trong các năm qua và tại sao không tiếp tục kiểm toán cho hệ sinh thái này?
Hồi đầu 2022, Hoàng Anh Gia Lai HAGL (HAGL) của Bầu Đức rơi vào tình thế trớ trêu, đối mặt với khả năng bị hủy niêm yết trên TTCK do bất ngờ bị hồi tố từ lãi sang lỗ trong 3 năm 2017-2019.
Nhiều cổ đông gửi đơn kêu cứu, cho rằng họ đầu tư sau thời điểm ngày phát hành báo cáo tài chính đã kiểm toán 2020 và không hề thấy cảnh báo từ các cơ quan quản lý do vậy việc đem chuyện cũ ra xem xét là vô lý.
Vụ việc hồi tố tại HAGL thực sự gây rúng động thị trường. Từ cách đó cả năm, HAGL đã bất ngờ có khoản lỗ lũy kế 5.000 tỷ đồng từ “quá khứ hiện về” khiến vốn chủ sở hữu của DN này bị mất đi 1/3. Tuy nhiên, theo ghi nhận khi đó, việc ghi nhận khoản lỗ này không làm thay đổi kết quả kinh doanh 2019-2020. HAGL ghi nhận thêm lỗ gần 5.000 tỷ vào vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2019. Việc điều chỉnh đã khiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của Hoàng Anh Gia Lai các năm 2017, 2018 và 2019 đều bị lỗ.
Hồi đầu năm 2017, HAGL của Bầu Đức cũng gây xôn xao khi điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh của năm 2016 liên quan đến thương vụ bán HAGL Sugar.
Gỗ Trường Thành (TTF) cũng chứng kiến những khoản hồi tố lớn. Giới đầu tư khi ấy cũng đề cập tới trách nhiệm của kiểm toán. Tuy nhiên, sau đó báo cáo tài chính được cho là chưa có kiểm toán soát xét mà mới chỉ là báo cáo do DN tự lập.
CTCP Cảng Sài Gòn cũng từng hồi tố lỗ hơn 1.000 tỷ đồng, điều chỉnh vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2015 khiến vốn chủ sở hữu giảm gần một nửa và giá trị sổ sách chỉ còn hơn 5.400 đồng.
Điều chỉnh hồi tố là một nghiệp vụ kế toán để điều chỉnh lại một số khoản mục trên báo cáo tài chính tại những kỳ trước đây. Đây là một nghiệp vụ khá đơn giản nhưng lại có thể trở thành phức tạp bởi những lý do "ngoài chuyên môn".
Theo quy định, việc lập BCTC và cung cấp tài liệu cho kiểm toán là trách nhiệm của DN. Kiểm toán không phải là cơ quan điều tra để có thể xác minh tài liệu là thật hay giả, họ chỉ đưa ra ý kiến trên cơ sở các tài liệu được cung cấp, căn cứ vào các bằng chứng kiểm toán và thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán. Do đó, nếu DN cố tình lừa dối, cung cấp tài liệu, thông tin không trung thực thì kiểm toán lại chính là nạn nhân.
Tuy nhiên, nếu kiểm toán viên và công ty kiểm toán cố tình thông đồng với DN để gian lận, vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp hoặc do yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ thì tất nhiên công ty kiểm toán và cá nhân kiểm toán viên sẽ phải chịu trách nhiệm.
Một chuyên gia môi giới tại CTCK tại TP.HCM trước đây cho biết, nhiều cổ phiếu tăng quá nóng không phản ánh đúng giá trị của DN. Trong trường hợp TTF, lỗi đầu tiên thuộc về ban lãnh đạo khai khống hàng tồn kho khiến nhà đầu tư lạc lối. Tiếp theo là lỗi của kiểm toán không kiểm tra được hàng tồn kho ảo. Những con số về tồn kho có thể phát sinh từ các năm trước, mãi đến đợt kiểm toán sau đó mới phanh phui ra được sai phạm. Báo cáo tài chính 2014 đã cho thấy sự bất thường khi tồn kho lên tới 2.400 tỷ, trong khi doanh thu chỉ khoảng 1.400 tỷ. Lợi nhuận 2014 và 2015 khá tốt nhưng dòng tiền yếu là tín hiệu đáng ngờ.
Với JVC, DN này vốn là ngôi sao sáng với lợi nhuận cao. Tiền lãi được nghi ngờ nằm ở trong các khoản phải thu, giống như việc bán chịu giá cao ghi nhận lãi nhưng thực tế không thu được tiền về. Những khả năng như thế khiến DN có thể có lợi nhuận ảo, khi lộ diện phải trích lập dự phòng là DN lỗ nặng.
Trong vài năm gần đây, số lượng nhà đầu tư mới (F0) vào TTCK tăng rất mạnh, hàng triệu tài khoản được mở mới. Các nhà đầu tư F0 là động lực chính kéo thị trường đi lên. Chính vì vậy, việc bảo vệ các NĐT thế yếu này rất quan trọng với sự phát triển bền vững và đường dài của TTCK cũng như nền kinh tế. Những sai phạm do lãnh đạo DN hay kiểm toán… đều phải được xử lý mạnh tay vì sự phát triển chung.