Nguy cơ 'gánh' nợ từ chiêu trò lừa đảo mạo danh ví điện tử

09/11/2021 13:58

Gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo đã sử dụng các chiêu trò mạo danh ví điện tử, công ty tài chính để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền, thông tin cá nhân.

Lợi dụng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã giả mạo ví điện tử để thực hiện các hành vi lừa đảo. Với mục đích thu thập thông tin gồm mật khẩu và mã xác thực (OTP), các đối tượng đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền trong ví điện tử.

Ngoài ra, với các thông tin cá nhân chiếm đoạt được, các đối tượng có thể sử dụng để vay tiền tại các tổ chức, ứng dụng khác. Khi đó, người bị chiếm đoạt thông tin cá nhân sẽ phải "gánh" khoản nợ từ trên trời rơi xuống.

Thông tin từ Công an phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng cho biết, chị Hồ Thị X. (huyện Đắkrông, Quảng Trị) đã trình báo, cầu cứu vì liên tục bị khủng bố đòi nợ số tiền 40 triệu đồng.

Theo chị X., bản thân không vay mượn số tiền trên của cá nhân, đơn vị nào, tuy nhiên nhiều người xưng là nhân viên của một ứng dụng vay tiền qua điện thoại di động yêu cầu chị X. phải trả món nợ đã vay, nếu không sẽ có biện pháp "xử lý" đối với chị. Công an phường Khuê Trung xác minh chị X. không vay số tiền trên nhưng lại bị đòi nợ kiểu dồn dập, đe dọa, khủng bố nên có thể nạn nhân bị đánh cắp thông tin cá nhân để làm thủ tục vay tiền qua ứng dụng.

Tiếp tục làm rõ, Công an phường Khuê Trung xác định bạn ở trọ cùng phòng của chị X. là Hồ Thị Hạnh đã trộm cắp thông tin cá nhân của chị sau đó dùng giấy tờ này và thông tin của chị X. để vay tiền qua ứng dụng tải từ điện thoại. Hạnh khai nhận, do cần tiền và biết thủ tục xác minh đơn giản khi vay qua ứng dụng nên làm theo hướng dẫn và vay tiền. Hạnh đã thực hiện 13 lần vay tiền qua ứng dụng V.T.M. với số tiền 40 triệu đồng, tuy nhiên thực tế chỉ nhận được 29,5 triệu đồng.

Gần đây, nhiều người dùng ví điện tử MoMo đã nhận được thông tin về "Gói cứu trợ COVID - Chung tay vượt qua đại dịch" nhưng đại diện ví MoMo này khẳng định đây là thông tin không chính xác.

Trang web giả mạo ví điện tử Momo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Anh Nguyễn Hữu O. (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã nhận được một cuộc gọi từ Facebook, có tên là ví MoMo thông báo về "gói hỗ trợ COVID-19 - Chung tay vượt qua đại dịch". Sau đó họ gửi cho anh O. bản hướng dẫn chi tiết về cách nhận được 1 triệu đồng. Khi thực hiện theo, ví MoMo của anh O. bị trừ 1 triệu đồng. Sau khi thấy đột nhiên bị trừ tiền, anh O. mới nhận ra mình bị lừa đảo.

Ví MoMo khuyến nghị người dùng nâng cao cảnh giác và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, xác thực mã cho bất kỳ ai. Đồng thời, tuyệt đối không chấp nhận các liên kết lạ. Người dùng lưu ý, nhân viên ví MoMo không bao giờ đề nghị người dùng cung cấp mật khẩu, xác thực mã hóa dưới bất kỳ định thức nào.

Trước đó, ví điện tử VNPAY cũng đã cảnh báo về tình trạng bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo khách hàng. Cụ thể, các đối tượng này lợi dụng uy tín của VNPAY để thông báo cho vay tín dụng cá nhân. Sau đó yêu cầu người dùng đăng nhập vào đường link giả hoặc tải app giả mạo. Tiếp đó thực hiện nhập thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân để chứng minh thu nhập rồi chiếm đoạt tiền của người dùng ví. Đây là thủ đoạn lừa đảo tinh vi, người dùng có thể bị đánh cắp thông tin ngân hàng, thông tin cá nhân, lợi dụng để làm hợp đồng tín dụng, vay tiền… mà không hề biết.

Theo Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel Trần Minh Quang cho biết, theo các số liệu ghi nhận, số lượng tên miền lừa đảo năm 2021 tăng nhiều so với những năm trước, trung bình khoảng 600-700 tên miền hàng quý, tương đương mỗi ngày có 5-10 vụ tấn công nhắm vào người dùng mới.

Ngoài ra, những lĩnh vực liên quan đến ngân hàng, tài chính, bảo hiểm,… có số lượng tấn công lừa đảo nhiều do liên quan trực tiếp tới người dùng.

Người dân cần lưu ý khi đăng thông tin lên mạng xã hội, nếu để lại đầy đủ tên, địa chỉ, nhà, nơi làm việc, số tài khoản, các thông tin trên giấy tiêm chủng vaccine phòng COVID-19,... chính là những dữ liệu mà các đối tượng lừa đảo có thể thu thập, lợi dụng từ đó thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, mỗi cá nhân phải hết sức cảnh giác, chú trọng bảo mật thông tin cá nhân của mình. Bởi rất có thể, bản thân sẽ trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng như lấy cắp thông tin để vay tiền trong khi bản thân không vay.

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ 'gánh' nợ từ chiêu trò lừa đảo mạo danh ví điện tử" tại chuyên mục Kiến Thức Tài Chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).