Giá trị giao dịch HOSE chỉ ở mức 12.7 ngàn tỷ đồng, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 15.75 ngàn tỷ đồng của tháng 8/2022. Không có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý trong hôm nay.
Mức giảm giá của VCB (-2.33%) kéo giảm thành tích của tổng thể ngành ngân hàng. Theo đó, VN-Index cũng khó có thể bứt phá khỏi sức ì đến từ nhóm cổ phiếu vua.
Một phân ngành nhỏ hơn là xây dựng lại cho thấy sức bật tốt trong hôm nay. Một số cái tên tăng giá nổi bật có REE, PC1, CTD, HBC, FCN.
Khối ngoại duy trì bán ròng trên tổng thể tam sàn sang ngày giao dịch thứ chín liên tiếp, dù rằng giá trị bán ròng không đáng kể. Trong đó, KBC chịu nhiều “hỏa lực” (bán ròng gần 47 tỷ đồng) từ khối nước ngoài nhất, giữa bối cảnh lợi nhuận doanh nghiệp ghi nhận giảm hàng ngàn tỷ đồng sau kỳ kiểm toán bán niên.
Như vậy, thị trường chứng khoán kết thúc ngày giao dịch cuối cùng trước Lễ Quốc Khánh tương đối êm đềm, với thanh khoản thấp là đặc trưng của giới giao dịch Việt Nam trước các kỳ nghỉ.
14h: Thủy sản dậy sóng
Không có chuyển biến đáng kể đối với trạng thái thị trường cho đến giữa phiên chiều. Tuy vậy, một số nhóm ngành có màn trình diễn tích cực như thủy sản và chứng khoán.
GAS (-1.6%) tiếp tục suy yếu và trở thành mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên khả năng tăng điểm của VN-Index, lấy đi của chỉ số gần 0.9 điểm. Đến 14h07, VN-Index vẫn đang tăng nhẹ 0.61 điểm.
Bất động sản – với sự đóng góp của VIC, VHM – là ngành trụ lực cho thị trường.
Điểm đáng chú ý là cổ phiếu ngành chứng khoán có sự đảo chiều với việc hầu hết mã vốn hóa lớn nhất ngành như SSI, VCI, HCM, SHS,… đều tăng giá, riêng VND đứng giá.
Cổ phiếu thủy sản cũng có một ngày giao dịch quật khởi. Các mã ngành cá tra như VHC, IDI, ANV, ACL cho đến chế biến tôm như FMC, CMX, MPC đều tăng mạnh. Trong đó, nổi bật là mức tăng cận trần của IDI
Giá trị giao dịch tại HOSE đến 14h10 ở mức 9.6 ngàn tỷ đồng, nhóm VN30 là 2.6 ngàn tỷ đồng, và tại HNX là 1.27 ngàn tỷ đồng.
Phiên sáng: Thanh khoản giảm mạnh
VN-Index kết thúc phiên sáng với sắc xanh nhẹ và có ít diễn biến đáng chú ý trong một phiên sáng khá trầm. Giá trị giao dịch tại HOSE phiên sáng chỉ ở mức 5.3 ngàn tỷ đồng, riêng đối với nhóm VN30 thì chỉ là 1.53 ngàn tỷ đồng.
VIC (+1.9%) và VHM (+0.8%) là hai người hùng của sáng nay khi lần lượt là hai mã đóng góp tích cực nhất lên VN-Index. Theo đó, ngành bất động sản nhìn tổng thể là tích cực nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành.
Chiều ngược lại, sắc đỏ chiếm ưu thế tại ngành ngân hàng và chứng khoán.
Trong khi đó, cổ phiếu bảo hiểm thể hiện bộ mặt tích cực. Hầu hết các mã trong ngành đều tăng giá (BIC, BMI, BVH, MIG, PGI, VNR), duy nhất chỉ có PVI (-1.08%) và PRE (-1.6%) là giảm.
Sáng nay, khối ngoại tiếp tục làn sóng bán ròng tại TLG. Tính từ đầu tháng 8 đến kết phiên sáng nay, cổ phiếu này đã bị nhà đầu tư ngoại bán ròng trên 333 tỷ đồng, rất lớn khi so sánh với quy mô tổng vốn hóa. Tuy nhiên, trong cùng khoảng thời gian thì thị giá TLG cũng leo thang liên tục với chỗ dựa là những con số kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng.
Trở lại với thị trường chung, những biến động xập xình quanh tham chiếu của VN-Index trong phiên sáng thể hiện tâm lý ngập ngừng của nhà đầu tư trong việc giao dịch, giữa bối cảnh các thông tin vĩ mô trong ngoài nước ngày càng đan xen phức tạp.
Khởi đầu cầm chừng
Thị trường khởi đầu tương đối trầm. Tuy rằng số lượng mã cổ phiếu giảm giá nhiều hơn đáng kể so với số lượng mã tăng giá nhưng nhìn tổng thể vẫn không quá tiêu cực. Thị trường cầm chừng đầu phiên với mức giảm điểm của VN-Index là 1.96 điểm.
Xét trên bình diện nhóm ngành thì sắc đỏ lại gần như bao trùm thị trường, với mức giảm không quá lớn.
Những thông tin về mức độ “diều hâu” của Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ đối với chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát đang là tâm điểm của giới đầu tư toàn thế giới trong những ngày gần đây. Sáng nay, nhiều thị trường chứng khoán châu Á cũng giảm điểm như Việt Nam, nhưng cũng chưa đến mức độ tiêu cực đáng kể.
Một diễn biến đáng chú ý là cổ phiếu TGG tăng kịch trần tính đến 9h31 sáng nay. Chiều qua, HĐQT của doanh nghiệp này cũng vừa công bố Nghị quyết triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường để quyết định các vị trí trong HĐQT, thay đổi kế hoạch kinh doanh và hủy phương án phát hành cổ phần.
Đến 9h34, VN-Index xanh trở lại, tăng nhẹ 0.85 điểm so với mốc tham chiếu. VIC (+1.73%) là mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số trong khi VCB (-0.12%) lại là mã kéo lùi mạnh nhất.