Phiên hôm qua 6/7, chỉ số VN-Index giảm điểm thủng đáy 1.160 điểm, đóng cửa thấp nhất phiên ở mức 1.149 điểm. Đáng chú ý là sau 14h15, khối lượng khớp đột biến trên 84 triệu cổ phiếu. Rất nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng tâm lý để về 1.100 và xấu hơn là 900-950 điểm. Rõ ràng, tâm lý của nhà đầu tư đang thiên về kịch bản “xả hàng”, “bán tháo” cho một nhịp giảm mới, thay vì là phiên “hốt hàng giá rẻ”.
Những ngờ vực về phiên VN-Index thủng đáy hôm qua 6/7 |
Ở góc độ kỹ thuật, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ còn giảm nữa, ngưỡng hỗ trợ cứng 1.200 đã mất, thậm chí chỉ số đã phá đáy 1.160 điểm, trong khi thanh khoản liên tục sụt giảm, nên kịch bản VN-Index về ngưỡng mới 1.100 điểm là điều có thể xảy ra.
Tuy nhiên, ở góc độ phân tích cơ bản lại cho thấy chiều ngược lại với nhiều thông tin tươi sáng hỗ trợ cho thị trường, như GDP tăng trưởng cao trong quý II và 6 tháng đầu năm; kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp sẽ ra dần từ tuần sau, dù tốc độ tăng trưởng không bằng cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn tăng trưởng dương; giá dầu thế giới giảm trở lại, tạo kỳ vọng xu hướng điều chỉnh giảm, có nghĩa nỗi lo lạm phát giảm, khi đó phục hồi kinh tế sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, chính sách điều hành tiền tệ của các ngân hàng trung ương có thể mềm mỏng hơn, cũng hỗ trợ cho thị trường.
Ông Phương cũng đặt ra dấu hỏi cho một phiên giảm sâu phiên 6/7, bởi trước đây còn do áp lực bán từ căng margin, nhưng hiện nay, gần như công ty chứng khoán nào cũng dư nguồn, nên việc giảm sâu như phiên 6/7 có gì đó hơi khó hiểu.
“Vùng giá này nhà cái cũng lỗ”, ông Phương nói vui và cho rằng, việc thị trường sụt giảm trong giai đoạn vừa qua là có cơ sở, nhưng nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan, bởi các nền tảng vĩ mô của Việt Nam đang tươi sáng. Nhà đầu tư lo ngại về lạm phát, tăng lãi suất, nhưng Việt Nam vẫn đang duy trì CPI dưới 4% và tới giờ này, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa công bố chính thức tăng lãi suất.
Tương tự, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc CTCK Kiến thiết Việt Nam cũng cảm thấy bất thường khi VN-Index thủng 1.160 điểm trong phiên 6/7 và vào cuối phiên, nhiều mã trong VN30, đặc biệt trong VN Diamond, bị dội lệnh bán trong phiên ATC, tạo sự bất ngờ nên nhiều người hoảng loạn bán theo.
Ông Ngọc đưa ra nghi vấn về sự sụt giảm này có chủ đích hay không, các “tay to” muốn cú giảm sâu hẳn? Bởi theo ông Ngọc, thanh khoản thị trường đã cạn kiệt, nên áp lực bán theo lý thuyết là không quá lớn, chỉ có tâm lý hoảng loạn mới bán. Ngoài ra, giá cổ phiếu đã giảm quá sâu, những ai muốn cắt lỗ đã bán từ trước, không ai bán lúc này.
“Nhưng có lẽ chúng ta phải chấp nhận, trước khi thị trường hồi phục sắp tới, thì thường có những phiên kiểu như thế này”, ông Ngọc nói.
Còn theo quan sát của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, thị trường chứng khoán giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2019 có đặc điểm chung là cứ 2 năm tăng nóng thì sẽ có 1 năm điều chỉnh giảm khoảng 50% của giai đoạn 2 năm trước đó, thanh khoản thấp. Nếu điều này lặp lại cho giai đoạn 2020 - 2022, thì năm 2022, VN-Index sẽ rơi về vùng 1.100 điểm.
Tuy nhiên, thị trường hiện cũng đang có cơ sở hãm đà rơi. Cụ thể, thời điểm tháng 5/2016 PE dưới 12, tháng 3/2020 dưới 12 lần và cả 2 lần này, VN-Index đều bật tăng mạnh trong 1 năm tiếp theo.
Hiện nay, ở mức đóng cửa hơn 1.149 điểm trong phiên 6/7, thì P/E thị trường cũng đã dưới 12 lần, so với trung bình là 15-16x, so về mặt con số, có thể thấy thị trường có dư địa upside.
Dù có quan điểm cho rằng, việc định giá P/E sử dụng trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng, lãi suất tăng không còn chuẩn xác, ông Minh cho rằng, điều này có lý, nhưng nếu sử dụng chỉ số khác thì vẫn cho thấy thị trường đang ở mức hấp dẫn.
Cụ thể, chỉ số E/P (đảo ngược của P/E, hay còn được gọi là Earning Yield cho biết mức lợi tức mà doanh nghiệp kiếm được trong năm hiện tại) hiện nay tầm 8%, lạm phát 6 tháng 2,4%.So với các thị trường khu vực châu Á, chỉ có các thị trường mới nổi mới có tình trạng này, tức định giá thấp và lạm phát cũng đang thấp - là mức đang hấp dẫn. Bản chất khi EPS giảm xuống, tăng trưởng giảm xuống thì PE hiện tại không còn ý nghĩa, nhưng hiện chỉ số này, theo ông Minh đánh giá là chưa bị ảnh hưởng quá nhiều.
Chỉ số VN-Index giảm điểm thủng đáy 1.160 điểm, đóng cửa thấp nhất phiên ở mức 1.149 điểm. Đáng chú ý là sau 14h15, khối lượng khớp đột biến trên 84 triệu cổ phiếu. Rất nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng tâm lý để về 1.100 và xấu hơn là 900-950 điểm.ông Minh nhận định.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua thị trường giảm vì lo ngại lạm phát, thì nay đang có các tín hiệu hạ nhiệt, như dầu đang giảm rất mạnh, và khả năng nếu tiếp diễn như vậy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không vội vàng tăng lãi suất. Với thị trường Việt Nam, cũng đang kỳ vọng nới room tín dụng, dự kiến có 2 đợt tăng là tháng 8 và cuối năm. Ông Minh cho rằng, các dòng cổ phiếu phòng thủ như điện nước, bán lẻ và sản xuất thực phẩm, và có "chất xúc tác" cho dòng ngân hàng là mở room, nhưng sẽ có sự phân hóa.
Ngoài ra, chúng tôi cũng xin giới thiệu tới độc giả các thông tin mà nhiều người quan tâm trong lĩnh vực Kinh tế - Chứng khoán được liên tục cập nhật như: #Nhận định chứng khoán #Bản tin chứng khoán #chứng khoán phái sinh #Cổ phiếu tâm điểm #đại hội cổ đông #chia cổ tức #phát hành cổ phiếu #bản tin bất động sản #Bản tin tài chính ngân hàng. Kính mời độc giả đón đọc.