Nợ nần triền miên
Công ty cổ phần Đầu tư Revital Việt Nam vừa có văn bản công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, công ty này hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Năm 2022, công ty lỗ sau thuế 190 tỷ đồng, còn trong năm 2021 lỗ 156,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022, công ty ghi nhận 9,4 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm tới 95,3% so với thời điểm cuối năm 2021. Trong khi đó, nợ phải trả thời điểm cuối năm vừa qua là 1.828,3 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Nợ lớn trong khi vốn chủ sở hữu sụt giảm mạnh khiến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng vọt từ 8,13 lần lên 195,71 lần.
Báo cáo công bố cho thấy doanh nghiệp này có dư nợ trái phiếu 1.155 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021 và duy trì đến cuối năm 2022. Dư nợ trái phiếu so với vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt từ 5,71 lần lên 122,96 lần.
Ngày 17/9/2018, doanh nghiệp này phát hành thành công lô trái phiếu mã REV.Bond.2018 có tổng giá trị phát hành 1.155 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm, đáo hạn ngày 17/9/2025. Trái phiếu có lãi suất 4%/năm, do Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI) làm tổ chức lưu ký.
Như vậy kể từ sau khi phát hành, công ty này chưa trả nợ gốc lô trái phiếu trên.
Ngoài khoản nợ trái phiếu, Revital Việt Nam còn có một khoản vay tại PVcomBank vào tháng 7/2022. Khoản vay này có tài sản bảo đảm là toàn bộ cổ phần của doanh nghiệp này tại Công ty cổ phần Phát triển đầu tư - xây dựng Bách Giang - DCI và lợi tức phát sinh từ số cổ phần này. Số cổ phần này có tổng mệnh giá 1.457,5 tỷ đồng, chiếm 54,958% vốn điều lệ.
Đáng chú ý là theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, hiện Revital Việt Nam đang làm thủ tục giải thể.
Revital Việt Nam được thành lập năm 2014, có trụ sở đặt tại Hà Nội, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Trần Kim Hạnh. Ngành nghề chính là xây dựng chuyên dụng khác.
Gần 52 nghìn DN cũng rút khỏi thị trường chỉ trong 2 tháng đầu năm
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể.
Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định, đây là một con số không hề nhỏ, nhưng cũng không phải quá lo ngại, thậm chí còn có mặt tích cực. Đó là điều chứng tỏ doanh nghiệp trong nước đang tái cấu trúc, sẵn sàng cho bước phát triển mới.
Ông Thịnh tin rằng, đến cuối năm, số lượng doanh nghiệp quay trở lại thị trường sẽ tăng lên. Các doanh nghiệp đã xin ngừng hoạt động ở khoảng thời gian này cũng có thể sẽ "hồi sinh".
Niềm tin này không phải không có cơ sở khi mà từ nay đến cuối năm, nền kinh tế thế giới sẽ có nhiều tín hiệu tích cực, lạm phát giảm nhanh, lúc đó, giá cả hàng hóa khi chúng ta nhập về sẽ ổn định hơn.
Đồng thời, người dân trên thế giới quay trở lại nhu cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp trên thế giới lại tăng lượng nhập hàng thì tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước cũng sẽ tốt lên.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ sự lạc quan: “Con số hơn 51.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường có thể là tín hiệu tích cực. Điều đó thể hiện giữa lúc khó khăn, các doanh nghiệp đang co cụm lại để đi tìm định hướng mới, sau đó, họ sẽ tái cơ cấu để phù hợp với hoàn cảnh kinh doanh mới cả ở trong và ngoài nước".