Cụ thể, tại dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama ( TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) do Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành (Công ty thành lập ngày 31/12/2009 với hai cổ đông là Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco và Công ty CP Du lịch Hương Giang) làm nhà đầu tư, TTCP cho biết, việc thực hiện góp vốn điều lệ của các cổ đông không đúng thời hạn theo yêu cầu tại Quyết định số 2773/QĐ-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh và quy định tại Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014.
Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra một số dự án chậm tiến độ khác tại Thừa Thiên - Huế như: Dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec; Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam - dự án này nằm trong danh mục 29 dự án cần giám sát đặc biệt theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Đáng chú ý, theo TTCP, dự án này nằm trong khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Song ngày 12/7/2013, UBND TP Huế ra thông báo về chủ trương thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ dự án (thời điểm này, Công ty CP Du lịch Hương Giang là nhà đầu tư thực hiện).
Đến ngày 13/4/2016, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế đã có Văn bản nêu rõ: “Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì dự án nêu trên không thuộc trường hợp được nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư phải thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, góp vốn hoặc thuê quyền sử dụng đất”.
Hiện trạng dự án Nama (Thừa Thiên Huế) thời điểm tháng 5/2022
Tuy nhiên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế lại ban hành Văn bản số 2635/UBND-ĐC ngày 13/5/2016 có nội dung thể hiện việc áp dụng hình thức thu hồi đất để thực hiện dự án, đồng thời giao Sở TN&MT, UBND TP Huế hướng dẫn Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành thực hiện đăng ký nhu cầu sử dụng đất và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Huế để có cơ sở cho tiếp tục thực hiện chuyển tiếp dự án theo quy định.
Hiện nay dự án vẫn chưa được khởi công, đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu tại Quyết định chủ trương đầu tư điều chỉnh số 1370/QĐ-UBND ngày 21/6/2017.
Cũng tại Thừa Thiên - Huế, một dự án khác có tên Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải, được cơ quan thanh tra xác định, nhà đầu tư chưa thực hiện nộp đủ số tiền ký quỹ theo cam kết đầu tư với Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, chưa đảm bảo đúng thời hạn nộp theo cam kết. Việc xác định 20.638m đất biệt thự kinh doanh bất động sản du lịch của dự án là loại đất ở trong giấy Chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 3 là chưa đúng quy định về phân loại đất theo Luật Đất đai năm 2013.
TTCP nhận thấy, tổng thời gian dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải, được gia hạn tiến độ qua 2 lần điều chỉnh giấy Chứng nhận đầu tư đã giãn tiến độ gấp 3,6 lần; thời gian không sử dụng đất liên tục là 48 tháng, gấp 4 lần thời gian quy định.
Chấn chỉnh công tác quản lý
Còn tại dự án Khu tổ hợp Resort Sông Giá (Hải Phòng), do Công ty TNHH Huyndai E&C Vina Sông Giá làm nhà đầu tư, TTCP xác định, sân golf trong dự án chưa có trong quy hoạch chung xây dựng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 04/2001/QĐ-TTg ngày 10/01/2001. Bên cạnh đó, nhà đầu tư không thực hiện một số hạng mục của dự án (từ năm 2013 - 2018), việc này đã vi phạm Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Trước những dấu hiệu vi phạm trên, TTCP kiến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh tiến độ dự án Đầu tư khu nghỉ dưỡng Nama, có phương án xử lý phù hợp với Luật Di sản văn hóa và quy định của pháp luật liên quan; đôn đốc Công ty CP Tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vinacoland tập trung nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án Khu nghỉ dưỡng Huyền thoại Địa Trung Hải, thực hiện nộp đầy đủ số tiền ký quỹ theo đúng cam kết đầu tư; chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam…