"Những người bị giẫm đạp dưới đám đông đã gào khóc, và tôi nghĩ mình cũng bị tương tự, cố gắng thở và cầu cứu", một nhân chứng trong thảm kịch giẫm đạp tối 29/10 ở quận Itaewon, thủ đô Seoul, Hàn Quốc kể lại.
Park Jung Hoon, một nhân chứng khác, cho biết: "Chúng tôi đã thấy ngay trước mắt một cảnh tượng tưởng như chỉ có trong phim. Mọi thứ giống như một cuộc chiến, cuộc chiến giữa người muốn thoát ra với những người muốn lao vào".
Ám ảnh, bàng hoàng là cảm xúc của những người may mắn thoát chết trong thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ may mắn.
Yonhap dẫn thông tin từ giới chức trách Hàn Quốc cho hay, số người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở lễ hội Halloween tại một con hẻm thuộc quận Itaewon, Seoul, đã tăng lên 153 người, nữ giới chiếm tới 97 người và chủ yếu trong độ tuổi từ 20-30.
Trang Joongangdaily thậm chí dẫn một số nguồn tin nói rằng, ít nhất 156 người thiệt mạng, trong đó có 26 người nước ngoài đến từ 14 quốc gia khác nhau. Con số này có thể tăng tiếp bởi còn có 133 người bị thương, với gần 40 người nguy kịch. Tính đến trưa 30/10, giới chức địa phương vẫn nhận được hơn 3.500 tin báo mất tích từ thảm kịch Itaewon.
Đây là thảm kịch giẫm đạp kinh hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc và cũng là thảm kịch nhiều người thiệt mạng nhất kể từ vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người chết.
TỪ PHỐ ĐÊM KHÔNG NGỦ ĐẾN THẢM KỊCH ÁM ẢNH
Nơi xảy ra thảm kịch là một con hẻm dốc và hẹp với bề rộng chưa đầy 4m, dài khoảng 40m, nối khu nhà hàng sầm uất với con đường chính ở Itaewon. Hơn 100.000 người đã đổ xô đến Itaewon vào hôm 29/10, không phải vì một lễ hội lớn nào đó, mà là vì khu phố này nổi tiếng với cuộc sống về đêm. Thời gian lý tưởng để đến thăm Itaewon là vào buổi tối và cuối tuần khi người dân địa phương, người nước ngoài tụ tập tại đây để mua sắm, ăn uống và tiệc tùng.
Thế vận hội năm 1988 đánh dấu sự khởi đầu của quá trình toàn cầu hóa tại Itaewon, các nhà hàng, quán bar bắt đầu mọc lên.
Ban đầu, Itaewon chủ yếu phục vụ quân nhân Mỹ tại Hàn Quốc do nằm gần nơi đóng quân của lực lượng Mỹ ở trung tâm Seoul. Với làn sóng lao động nhập cư từ châu Âu, châu Mỹ và các quốc gia khác, Itaewon ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Sau này, Itaewon dần xóa bỏ hình ảnh gắn liền với quân đội Mỹ và trở thành một khu mua sắm, giải trí, một trung tâm đa văn hóa sôi động. Mặc dù nằm ngay ở trung tâm Seoul nhưng Itaewon vẫn có sự khác biệt về văn hóa, mang đến một hình ảnh cởi mở hơn. Itaewon, nơi có khoảng 22.000 dân, thậm chí được gọi là "quốc gia xa lạ trong lòng Seoul".
Itaewon còn được gọi là khu phố "không ngủ", nổi tiếng với cuộc sống náo nhiệt về đêm. Các nhà hàng, quán bar ở Itaewon chủ yếu phục vụ khách hàng trong độ tuổi từ 25 đến 40, trong đó nhiều doanh nhân nước ngoài, những người giàu có.
Đại dịch Covid-19 bùng phát 3 năm qua đã giáng một đòn mạnh vào Itaewon. Lễ hội Halloween được kỳ vọng sẽ đánh dấu sự hồi phục cuộc sống về đêm náo nhiệt của nơi này. Tuy nhiên, lễ hội đã nhanh chóng trở thành thảm kịch.
CON HẺM TỬ THẦN VÀ "HIỆU ỨNG DOMINO"
Theo lời các nhân chứng, các cuộc gọi SOS bắt đầu từ khoảng 22h24 ngày 29/10 báo cáo về thảm kịch xảy ra tại hẻm dốc hẹp ở phía tây khách sạn Hamilton. Đầu phía bắc của con hẻm nối với một con hẻm sầm uất khác được gọi là "Khu ẩm thực đường phố quốc tế Itaewon", đầu phía nam là đường lớn của Itaewon.
Ban đầu, dòng người di chuyển dường như rất có trật tự cho đến khi có ai đó hô lớn sắp có người nổi tiếng xuất hiện ở đầu bên kia con dốc hoặc một sự kiện phát kẹo có tẩm chất kích thích. Giới chức trách vẫn đang điều tra để làm sáng tỏ nguyên nhân vụ việc, song theo các nhân chứng, trong một khoảnh khắc, lượng người từ phía bắc đổ dồn về phía nam, kéo theo sự hỗn loạn, người này không ngừng đẩy người kia, gây ra một lực ép ngày càng lớn do yếu tố cộng hưởng của địa hình dốc, không gian hẹp giới hạn trong những bước tường dựng đứng.
Tình huống trở nên nguy hiểm khi một số người giữa trục đường bị vấp và ngã lên người tiếp theo, cuối cùng gây ra hiệu ứng domino đổ dồn xuống phía dưới. Áp lực khiến người phía dưới khó thở và mất ý thức.
Một nhân chứng cho biết, anh cảm thấy như có một lực nặng cả tấn sau lưng khi đám đông liên tục dồn ép về phía trước. "Cú hích hạ gục vài người, đó là thời điểm tai họa bắt đầu. Tôi thấy một người bị thương nghiêm trọng và máu chảy khắp người", nhân chứng kể lại.
Theo lý giải của các chuyên gia, khi hiện tượng chen lấn quá mạnh diễn ra trong không gian hẹp như hẻm Itaewon, lực có thể lớn đến mức "bẻ cong thép" và khiến nhiều người nghẹt thở và ngừng tim ngay cả khi đang đứng trong đám đông. Trong trường hợp bị ngã xuống, họ sẽ bị đè lên, chịu áp lực mạnh đến mức không thể thở nổi. Nhiều người kêu cứu, cố tìm cách thoát ra ngoài nhưng bị tiếng nhạc lớn át đi cùng với tâm lý hoảng loạn của đám đông.
Một số yếu tố khác cũng làm tăng mức độ thương vong của thảm kịch. Mật độ đông đúc ở khu phố Itaewon khiến lực lượng cứu hộ và cảnh sát gặp khó khăn khi phải vượt qua quãng đường 100m để tiếp cận hiện trường, hỗ trợ các nạn nhân.
Ngoài ra, cùng lúc hơn 300 người cần hồi sức tim phổi và sơ cứu cũng khiến lực lượng cứu hộ bị quá tải. Nhân viên y tế thậm chí phải nhờ đến sự hỗ trợ của những người xung quanh không có nhiều kinh nghiệm. Hơn nữa, thảm kịch xảy ra trong một lễ hội hóa trang khiến những phản ứng ban đầu trở nên hỗn loạn và dễ gây nhầm lẫn. Trong khi đó, các tuyến đường ở khu vực trung tâm tắc nghẽn do nhiều người bắt đầu trở về nhà.
Do vụ tai nạn xảy ra vào lúc cao điểm người nên kết nối điện thoại và internet tạm thời bị gián đoạn. Tất cả nhân viên khẩn cấp có mặt tại Seoul vào thời điểm đó đã được gọi đến hiện trường, với khoảng 1.700 công nhân và hơn 140 xe cứu thương.
Juliette Kayyem, chuyên gia quản lý thảm họa và nhà phân tích an ninh quốc gia của CNN, nhận định mật độ dân cư ở Seoul có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này.
Theo bà, trong tình huống hoảng loạn, những con phố hẹp như nút thắt cổ chai "chắc chắn sẽ gây thương vong". Trong khi đó, người dân Seoul đã quen với đám đông nên không thể phát hiện sớm mối nguy cận kề này. "Người dân ở Seoul đã quen với việc sống trong những không gian chật chội, do đó, có thể họ chưa hoàn toàn cảnh giác với những con phố đông đúc", bà nói.
ĐỀ PHÒNG HIỂM HỌA TIỀM ẨN
Trên thế giới, không ít thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại các lễ hội, sự kiện tập trung đông người. Gần đây nhất, hôm 1/10, ít nhất 174 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan ở thành phố Malang, tỉnh Đông Java của Indonesia khi cổ động viên một trận đấu bóng tìm cách thoát ra ngoài qua lối đi hẹp để tránh bạo loạn. Năm 2015, hơn 700 người thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp tại lễ hành hương thường niên của người Hồi giáo ở Ả Rập Xê Út.
Trong khi nhiều người chưa hết bàng hoàng với thảm kịch ở Itaewon, câu hỏi đặt ra là liệu giới chức đã áp đặt đủ các biện pháp kiểm soát an toàn và quản lý đám đông hay chưa.
Một số lời chỉ trích công khai cho rằng thảm kịch này lẽ ra đã có thể được ngăn chặn nếu có các biện pháp kiểm soát đám đông phù hợp.
Các nhân chứng mô tả, lực lượng an ninh dường như gặp khó khăn trong việc kiểm soát đám đông. "Tôi biết cảnh sát và nhân viên cứu hộ đang làm việc chăm chỉ, nhưng họ đã thiếu sự chuẩn bị", Park Jung Hoon, một nhân chứng 21 tuổi, chia sẻ.
Có nhiều đồn đoán cho rằng năm nay sẽ có đám đông lớn tụ tập ở khu vực này, vì đây là lễ hội Halloween đầu tiên sau 3 năm tổ chức mà không có hạn chế phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ và An toàn Hàn Quốc Lee Sang Min nói rằng thảm kịch này không thể được ngăn chặn bằng cách triển khai thêm cảnh sát. "Chúng tôi nhận thấy đây không phải là vấn đề có thể được giải quyết bằng cách triển khai trước cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa", ông Lee cho biết. Theo ông, quy mô đám đông thực tế không khác mấy so với những năm trước khi Covid-19 bùng phát.
Giáo sư Lee Young Ju từ Khoa Phòng cháy và Thảm họa tại Đại học Seoul nhận định: "Các sự kiện cấp quận do chính quyền địa phương hoặc cơ quan tổ chức phải có kế hoạch và biện pháp an toàn nếu dự kiến có hơn 1.000 người tham gia. Tuy vậy, đây là sự kiện lớn cấp quận mà không có người tổ chức cụ thể, thiếu chức năng kiểm soát an toàn". Ông nhấn mạnh: "Đây là một thảm họa lẽ ra có thể kiểm soát hoặc ngăn chặn, nhưng điều này không được quan tâm, bởi ngay từ đầu không có ai đứng ra chịu trách nhiệm".
Thảm kịch một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về mối nguy tiềm ẩn từ các sự kiện tập trung đông người thiếu kiểm soát. Điều này đặc biệt đáng lưu ý sau khi các thành phố dỡ bỏ hạn chế Covid-19, các sự kiện quy mô lớn bắt đầu được khôi phục. Một số nhà phân tích cho rằng, sau hơn 2 năm bị hạn chế bởi đại dịch, người dân có thể lơ là cảnh giác với những hoạt động tập trung đông người.
Martyn Amos, giáo sư tại Đại học Northumbria ở Anh chuyên nghiên cứu về đám đông, nhấn mạnh những sự kiện lớn cần được lên kế hoạch kỹ lưỡng và được kiểm soát bởi những người có năng lực quản lý. Các yếu tố liên quan đến không gian, thời gian và sự kiện phải được xem xét trong quá trình lập kế hoạch.
Về kỹ năng bảo vệ bản thân trong trường hợp chen lấn, xô đẩy, các chuyên gia cho rằng, yếu tố bình tĩnh, tránh hoảng loạn có vai trò quan trọng hàng đầu. Chuyên gia người Mỹ Paul Wertheimer chia sẻ, trong tình huống đó, mọi người cần dành thời gian để nhớ lại các lối ra đã nhìn thấy khi đi vào, tiết kiệm năng lượng bằng cách tránh la hét hay chống lại đám đông. Ông cũng chỉ ra cách thoát hiểm khỏi đám đông bằng kỹ thuật di chuyển theo nhịp sóng.
"Nếu bạn bị đẩy về phía trước như một cơn sóng, sẽ có một khoảng lặng, đó là lúc bạn có thể di chuyển, bước theo đường chéo vào khoảng trống giữa người với người. Bước vài bước sau mỗi đợt sóng, cứ như vậy cho đến khi bạn có thể thoát ra ngoài", ông Wertheimer nói.