Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones rớt 336.99 điểm (tương đương 1.0%) xuống 32,816.92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1% còn 3,970.04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.7% xuống 11,394.94 điểm. Dow Jones đã sụt tới 510 điểm (tương đương 1.54%) vào đầu phiên.
Các chỉ số chính khép lại tuần qua với mức giảm mạnh nhất trong năm 2023. Từ đầu đến nay, S&P 500 giảm 2.7%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 09/12/2022. Dow Jones mất gần 3.0% trong tuần này, ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp. Nasdaq Composite sụt 3.3%, đánh dấu tuần sụt giảm thứ 2 trong 3 tuần qua.
Cổ phiếu Boeing sụt hơn 4% sau khi công ty tạm thời ngừng giao các chiếc máy bay 787 Dreamliners do vấn đề về thân máy bay. Cổ phiếu Microsoft và Home Depot lần lượt giảm 2.2% và 0.9%.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE), một thước đo lạm phát ưa thích của Fed, tăng 0.6% trong tháng 01 và tăng 4.7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo từ các chuyên gia kinh tế.
Báo cáo này đã làm tăng thêm lo ngại rằng Fed có thể phải giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để dập tắt áp lực lạm phát.
Liz Ann Sonders, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, tin rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của thị trường bên cạnh số liệu PCE.
"Tôi nghĩ, một lý do khác khiến thị trường gặp khó khăn ở một mức độ nào đó không chỉ do lạm phát nóng hơn hay do lo ngại rằng Fed phải thắt chặt chính sách lâu hơn. Mà còn do nhiều suy đoán đã quay trở lại – bong bóng đầu cơ. Và thị trường có xu hướng diễn biến ngược lại khi tâm lý thị trường trở nên quá sôi sục. Vì vậy, tôi nghĩ rằng một số động thái có liên quan đến tâm lý thị trường. Không chỉ ở những yếu tố vĩ mô này”, bà Sonders nói.
Các chiến lược gia tin rằng lạm phát không thể giảm nếu không có suy thoái kinh tế rộng hơn.