Giao dịch viên tại thị trường chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Trước thềm cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhận định lãi suất sẽ tăng, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần này (ngày 14/3).
Ngoài ra, diễn biến xung đột Ukraine-Nga cũng khiến nhà đầu tư thận trọng, khi các phái đoàn của hai nước bước vào vòng hòa đàm thứ tư, nhưng chưa có tiến triển nào được thông báo.
Tuy nhiên, diễn biến của Phố Wall đã xoay chiều ngay trong phiên giao dịch liền sau đó, khi cả ba chỉ số chủ chốt đều tăng quanh mức 2%. Đà tăng này duy trì tới cuối tuần, sau khi Fed nâng lãi suất và cho biết sẽ nâng thêm 6 lần nữa trong năm nay.
Đây là một động thái được báo trước từ ngân hàng trung ương Mỹ khi tìm cách kiểm soát lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, triển vọng Fed tăng lãi suất liên tiếp cũng khiến nhà đầu tư ngạc nhiên phần nào và làm thị trường ban đầu đi xuống. Fed dự kiến mức lãi suất đạt 1,9% vào cuối năm, có nghĩa cơ quan này sẽ nâng lãi suất ở mỗi cuộc họp còn lại trong năm nay.
Xung đột giữa Nga và Ukraine đã gây ra biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, đẩy giá hàng hóa tăng vọt và chứng khoán đỏ lửa. Tuy nhiên, giá một số hàng hóa đã hạ nhiệt trong những ngày gần đây, trong khi thị trường chứng khoán Mỹ cố gắng tìm lại vị thế của mình.
Thị trường toàn cầu đã biến động mạnh trong những tuần gần đây. Sylvia Jablonski, CEO và Giám đốc đầu tư tại công ty dịch vụ đầu tư Defiance ETFs (Mỹ), cho rằng sự biến động có thể sẽ tiếp tục trong ít nhất một hoặc hai tháng nữa. Tuy nhiên, hiện tại, bà cho biết nhà đầu tư đang thoải mái hơn với thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 18/3, “sắc xanh” vẫn thống lĩnh Phố Wall, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về cuộc khủng hoảng Ukraine kết thúc mà không có bất ngờ lớn.
Chứng khoán Mỹ khởi sắc ngay cả sau khi Chính phủ Nga mới đây đã bác bỏ tin tức về sự tiến triển trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Trước đó, Financial Times đưa tin rằng cả hai nước đã đạt được “tiến triển đáng kể” về đàm phán nhằm chấm dứt khủng hoảng tại Ukraine.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 274,17 điểm (0,8%), lên 34.754,93 điểm, ghi dấu phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 1,1%, lên 4.463,12 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 2,05%, lên 13.893,84 điểm. Cả hai chỉ số này đều ghi nhận phiên đi lên thứ tư liên tiếp.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số S&P 500 vọt 6,1% , Dow Jones tăng 5,5% và Nasdaq Composite tiến 8,1%. Đây là tuần tăng điểm tốt nhất của cả ba chỉ số này kể từ tháng 11/2020.
Các nhà đầu tư cũng cảm thấy “nhẹ nhõm” hơn khi giá dầu tăng chậm lại, đồng thời họ cũng tiếp tục xem xét kế hoạch tăng lãi suất của Fed.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 18/3 để thảo luận về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông Tập Cận Bình cho rằng Mỹ và Trung Quốc đều có nghĩa vụ thúc đẩy hòa bình.
Nga đã đưa ra yêu cầu viện trợ quân sự hoặc kinh tế từ Trung Quốc và cuộc gọi này được xem là một phép thử quan trọng về việc liệu ông Biden có thể thuyết phục Bắc Kinh đứng ngoài cuộc xung đột hay không.
Vào ngày 17/3, Nga được cho là đã thực hiện thanh toán trái phiếu trị giá 117 tỷ USD bằng đồng USD, tránh được tình trạng vỡ nợ và giúp chứng khoán Mỹ nối dài đà leo dốc./.