Rà soát tiến độ 16 dự án phát triển Đồng bằng sông Cửu Long vay vốn ODA

18/07/2023 10:02

Trong số đó, dự án cầu Ô Môn của Cần Thơ và nâng cấp, mở rộng QL61C Hậu Giang đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo với Chính phủ.

Ngày 15/7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo các dự án phát triển bền vững ĐBSCL (Mekong DPO) tại Cần Thơ.

oda-1689583210.jpg

Bản đồ 16 dự án Mekong DPO tính đến tháng 3/2023.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, hai dự án mới là cầu Ô Môn của Cần Thơ và nâng cấp, mở rộng QL61C Hậu Giang nằm ngoài 16 dự án đã được đề xuất trước đây. Và hai dự án này đã được Bộ KH&ĐT báo cáo với Chính phủ.

“Bộ KH&ĐT đã xin phép để tập hợp báo cáo hai dự án này ra Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây.

Quốc hội sẽ quyết dự án áp dụng cơ chế đặc thù là giao cho địa phương làm cơ quan có thẩm quyền hay không”, và Thứ trưởng cho biết, hai địa phương này phải dự phòng kịch bản hai dự án trên không được Quốc hội thông qua.

Thứ trưởng đề nghị Cần Thơ và Hậu Giang tiếp tục công tác chuẩn bị hồ sơ cho đến khi Quốc hội quyết định.

Trước đó, UBND TP Cần Thơ có tờ trình gửi Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề nghị xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu TP Cần Thơ - dự án 2 (đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp).

Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 9.187 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA vay Chính phủ Nhật Bản là 7.276 tỷ đồng, còn lại khoảng 1.911 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Theo UBND TP Cần Thơ, dự án xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với TP Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu của Trung ương, vùng, tỉnh.

UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã trình đề xuất gửi Bộ KH&ĐT về Dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (QL61C) có điểm đầu tại km10+200 (kênh Trầu Hôi) ranh giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.

Điểm cuối dự án tại Km47+352, cách cầu Cái Tư khoảng 2km về phía TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Chiều dài tuyến hơn 37km, tổng mức đầu tư dự án hơn 3.800 tỷ đồng.

Tuyến QL61C giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2012, có quy mô 2 làn xe (tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng). Đây là tuyến ngắn nhất nối thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang với TP Cần Thơ.

Tuyến có vai trò là trục dọc kết nối với các trục đường ngang quy hoạch như: tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu tạo thành mạng giao thông rất quan trọng của vùng Tây Nam bộ.

Việc đầu tư hoàn chỉnh giai đoạn 2 của dự án sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ, kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh trong khu vực.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, Chính phủ đang xây dựng, chuẩn bị ban hành Nghị quyết về các dự án Mekong DPO với nội dung chính nhằm huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án Mekong DPO trên cơ sở nhu cầu đầu tư và cam kết của các đối tác phát triển.

Nghị quyết sắp tới Chính phủ ban hành chỉ gói gọn trong 16 dự án Mekong DPO. Đối với ĐBSCL, ngoài việc được ưu tiên thực hiện 16 dự án, các dự án còn lại vẫn thực hiện bình thường (đối với các dự án khác muốn được áp dụng cơ chế thì phải báo Chính phủ xem xét, quyết định từng trường hợp).

Đối với tiến độ thực hiện các dự án này, Thứ trưởng Phương cho biết, theo quy định, tới tháng 7/2024, Bộ KH&ĐT phải trình Chính phủ thông báo các nguyên tắc, tiêu chí, định hướng xây dựng kế hoạch 5 năm, kèm theo số vốn dự kiến thời điểm đó.

Công tác này để các bộ ngành địa phương chuẩn bị các dự án giai đoạn sau.

song-hau-1689583250.jpg

Sông Hậu, đoạn chảy qua Cần Thơ và Đồng Tháp.

Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT và 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã xây dựng 16 đề xuất dự án, với tổng mức đầu tư 94.328 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng 28.046 tỷ đồng; vốn vay nước ngoài 2,817 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng).

Đến nay, Bộ KH&ĐT đã thống nhất với sáu đối tác phát triển phương án nguồn vốn nước ngoài cho các dự án tại các tỉnh thành.

Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB): Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Kiên Giang (dự án ĐT963), Bạc Liêu.

Cơ quan Phát triển Pháp (AFD): Vĩnh Long.

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản(JICA): Cần Thơ và Hậu Giang;.

Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW): Kiên Giang.

Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM): Long An, Bến Tre, An Giang, Cà Mau.

Ngân hàng Thế giới (WB): Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT.

Bạn đang đọc bài viết "Rà soát tiến độ 16 dự án phát triển Đồng bằng sông Cửu Long vay vốn ODA" tại chuyên mục Thời sự. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).  
Mọi bài vở cộng tác xin gọi hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).