Trong một báo cáo về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới phát hành, hãng nghiên cứu FiinGroup đã nêu một con số rất đáng báo động: Trong chín tháng đầu năm nay, các công ty bất động sản chưa niêm yết phát hành ồ ạt trái phiếu với tổng giá trị lên đến 100.000 tỉ đồng, chiếm hơn 80% giá trị TPDN của ngành. Trước đó, trong năm 2020, tổng giá trị trái phiếu của các công ty bất động sản chưa niêm yết lên đến gần 150.000 tỉ đồng.
Hiện nay, bất động sản thu hút rất nhiều nhà đầu tư và là một trong những ngành đứng đầu về phát hành trái phiếu để huy động vốn. Ảnh: QH
Rất đáng lo ngại
Hãng nghiên cứu FiinGroup cảnh báo năng lực trả nợ vay của các đơn vị phát hành bất động sản chưa niêm yết hiện đang rất yếu. Các chỉ số đánh giá năng lực trả nợ vay và đòn bẩy đều đang ở mức đáng báo động.
“Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính, tức nợ vay ròng trên vốn chủ sở hữu hiện ở mức lên tới hơn 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đặc biệt, nhà đầu tư cá nhân là bên chịu rủi ro chủ yếu trên thị trường TPDN hiện nay” - hãng nghiên cứu trên nêu rõ.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, lưu ý đặc biệt về chất lượng các nhà phát hành trái phiếu là các công ty chưa niêm yết. Mặc dù hầu hết là phát hành riêng lẻ và 86% trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, ở góc độ rủi ro tín dụng thì đây là yếu tố rủi ro chính không chỉ đối với nhà đầu tư trái phiếu mà cả kênh tín dụng ngân hàng. Bởi các chỉ số đánh giá khả năng trả nợ của nhóm nhà phát hành này đều ở mức rất kém, tính minh bạch thông tin còn hạn chế.
Công ty Chứng khoán SSI cũng nhìn nhận khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các công ty chưa niêm yết bị hạn chế. Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường TPDN chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
Đáng chú ý, nguy cơ hiện hữu về khả năng mất tiền từ việc đầu tư vào TPDN của các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết là rất lớn. Bởi hiện nay, công ty niêm yết chịu sự ràng buộc giám sát từ cổ đông, cơ quan quản lý nhà nước, thị trường chứng khoán vì quy định phải công bố thông tin kinh doanh theo quý hay năm.
Ngược lại, nhiều công ty bất động sản chưa niêm yết rất thoải mái phát hành TPDN mà gần như không chịu ràng buộc điều kiện nào. Nói cách khác, đây là những công ty phát hành trái phiếu kiểu “ba không”, nghĩa là trái phiếu của họ không có xếp hạng tín nhiệm, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Thậm chí một số công ty công bố huy động vốn với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi rõ ràng, do vậy không đảm bảo cho khả năng trả nợ gốc và lãi sau này.
Giám sát chặt để tránh đổ vỡ
Thực tế cho thấy sức hấp dẫn của tiền lãi TPDN lên đến cả chục phần trăm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi nên nhà đầu tư vẫn đổ mạnh tiền vào kênh trái phiếu, trong khi kênh đầu tư này lại chưa được kiểm soát tốt nên có thể để lại những hậu quả khó lường. Bài học từ hàng loạt công ty bất động sản ở Trung Quốc bị vỡ nợ trái phiếu vẫn đang rất thời sự.
Vì vậy, hãng nghiên cứu FiinGroup kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường giám sát các hoạt động phát hành của các đơn vị chưa niêm yết, đặc biệt là công ty bất động sản. “Điều này rất quan trọng cho sự phát triển lành mạnh của thị trường và bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư” - FiinGroup nhấn mạnh.
Hãng nghiên cứu này cũng khuyến cáo nhà đầu tư không chỉ lựa chọn trái phiếu có mức lãi suất cao mà cần chú ý các yếu tố về chất lượng nhà phát hành, cũng như các điều khoản trong hợp đồng với công ty phát hành trái phiếu. Qua đó để đảm bảo quyền lợi, cũng như giảm thiểu rủi ro thu hồi lãi và gốc.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư 16/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán TPDN, có hiệu lực từ ngày 15-1-2022. Một trong những quy định quan trọng tại thông tư này là các ngân hàng không được bán và mua lại trái phiếu của công ty chưa niêm yết trong vòng một năm; tổ chức tín dụng không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.
Tương tự, Bộ Tài chính mới đây cũng đã ban hành dự thảo thông tư nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phát hành TPDN. Trong đó, quy định đáng chú ý nhất là trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn.•
Không nên chỉ quan tâm lãi suất cao
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup, khuyến cáo: Trước khi quyết định xuống tiền đầu tư trái phiếu của các công ty bất động sản chưa niêm yết, nhà đầu tư cá nhân cần xem có đơn vị bảo lãnh thanh toán hay chưa và cấp bậc ưu tiên trả nợ nếu trong trường hợp doanh nghiệp phát hành vỡ nợ.
Ngoài ra cần xem xét các yếu tố như tài sản đảm bảo, lãi suất, thời gian đáo hạn, các điều khoản mua lại cũng như đánh giá khả năng trả lãi ngân hàng, chỉ số nợ vay… Vì với tình hình dịch bệnh như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến các công ty nhà phát hành trái phiếu, dẫn đến nguy cơ không có dòng tiền, mất thanh khoản.