Thị trường gấu (bear market) là hiện tượng các loại chứng khoán mất giá liên tục ít nhất 20% và diễn ra trong một thời gian dài thông thường từ hai tháng trở lên. Kể từ giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 đến nay, nền kinh tế thế giới tiếp tục trải qua nhiều biến động và chứng kiến nhiều giai đoạn “Thị trường gấu” với những biến động mạnh.
Thống kê từ BSC cho thấy, giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 chứng kiện sự sụt giảm mạnh ở cả 3 thị trường chứng khoán gồm Việt Nam với mức giảm mạnh nhất 77,75%; Trung Quốc giảm 70,39% và Mỹ giảm 56,80%. Tuy nhiên sau đó khác với thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Việt Nam bước vào giai đoạn (2009-2013) giảm điểm kéo dài với những vấn đề nội tại trong nền kinh tế ở giai đoạn hậu khủng hoảng.
Tuy nhiên, sau mỗi giai đoạn thị trường giá xuống kéo dài thì chứng khoán Việt Nam có mức độ hồi phục mạnh hơn so với hai thị trường còn lại là Mỹ và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2007-2009, chứng khoán Việt Nam hồi phục 150%% kể từ đáy và hồi phục 55,74% so với mức đỉnh trước khi giảm. Trong khi đó, Trung Quốc hồi phục 95% từ mức đáy và 57% kể từ đỉnh, còn thị trường Mỹ hồi phục 39% kể từ đáy và 60% kể từ đỉnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ có thời gian phục hồi tốt nhất trung bình là 2,8 tháng và cũng có quãng thời gian trung bình ngắn nhất khi thị trường giá xuống xảy ra trung bình là 6,4 tháng.
Riêng về thị trường chứng khoán Việt Nam, sau chuỗi tăng điểm kéo dài kể từ giữa năm 2020 đến nay, VN-Index đã bước vào giai đoạn điều chỉnh từ cuối tháng 03/2022 với những phiên giảm sâu cùng thanh khoản suy yếu so với giai đoạn thăng hoa trước đó.
Nhìn lại 6 đợt thị trường giá xuống với những bối cảnh kinh tế thế giới và vấn đề nội tại khác nhau ở mỗi thời kỳ sẽ ảnh hưởng đến mức độ phục hồi của thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Đợt 1 - 2007 một số sự kiện chính diễn ra như Khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ sau đó lan rộng trên toàn thế giới giai đoạn 2007-2009; đợt 2 là 2009-2012 với sự kiện khủng hoảng hệ thống ngân hàng trong nước, lãi suất tiền gửi và cho vay tăng cao đột biến; thị trường bất động sản đóng băng mất thanh khoản, sự kiện bầu Kiên...
Đợt 3 2015-2016 Fed tăng lãi suất kinh tế Trung Quốc suy yếu. Đợt 4 2018 với Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Fed tiếp tục lộ trình nâng lãi suất và bất ổn trên thị trường hàng hóa đặc biệt là dầu thô.
Đợt 5 giai đoạn tháng 1-Tháng 3/2020: Đại dịch Covid-19 toàn cầu và khủng hoảng kinh tế, chuỗi cung ứng.
Đợt 6 Tháng 3/2022 đến nay, Fed bắt đầu tăng lãi suất và lộ trình thu hẹp bảng cân đối kế toán; Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Cơ quan quản lý Việt Nam chấn chỉnh thị trường trái phiếu và chứng khoán.
Tuy nhiên, theo đánh giá của BSC, hiện nay, bối cảnh kinh tế thế giới đang khá tương đồng với giai đoạn năm 2018 khi FED bắt đầu tăng lãi suất với mức độ và tần suất mạnh hơn, vấn đề an ninh năng lượng, bất ổn trên thị trường hàng hóa trở thành mối quan tâm hàng đầu của các Quốc gia. Dù vậy điểm khác biệt nằm ở kinh tế vĩ mô Việt Nam đang khá ổn định, tăng trưởng tốt và đang lệch pha so với thế giới. "Thị trường có thể có thêm một nhịp sụt giảm nhẹ và phục hồi đi lên như kịch bản giai đoạn 2018", các chuyên gia phân tích của BSC nhấn mạnh.