Từ “chính sách lạ” của một thị trấn nhỏ phía tây Nhật Bản
Mới đây, những dòng tin trên tờ The Guardian (Anh) đã khiến nhiều người quan tâm, thậm chí khá ngỡ ngàng. Đó là thông tin về một thị trấn nằm ở tỉnh Wakayama phía tây đất nước Mặt trời mọc có tên gọi Kainan đang tung ra chính sách tặng hàng triệu yên cho bất kỳ người dân nào chuyển đến đây sinh sống. Đổi lại, những cư dân mới sẽ phải sống ở Kainan ít nhất 5 năm và phải mang họ Suzuki.
Thực ra theo nhiều thông tin, đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Kainan đưa ra “chính sách lạ này”. Hồi năm 2021, lãnh đạo thị trấn này đã tuyên bố mỗi hộ gia đình có thể chứng minh thuộc họ Suzuki sẽ được tặng 1 triệu yên và nhận được số tiền tương tự nếu có con dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, dù số tiền thưởng dành cho một gia đình 4 người có 2 con nhỏ có thể lên tới 3 triệu yên nhưng vẫn không có mấy sức thu hút với người dân nơi đây. Bằng chứng là cho đến nay, sau 2 năm chính sách này đi vào thực thi, thị trấn này vẫn không thu hút được bất kỳ người dân nào mang họ Suzuki chuyển đến.
“Tôi có thể xác nhận rằng cho đến nay chưa có một người nào mang họ Suzuki nào chuyển đến Kainan”- ông Tomonari Fujita, người đứng đầu bộ phận phát triển đô thị của thị trấn, khẳng định với phóng viên tờ Guardian.
Một chi tiết đáng lưu ý là chuyện thưởng tiền để người dân sinh con không mới tại Nhật Bản. Trước đó, từ năm 2004, thị trấn Nagi, cách thành phố Hiroshima khoảng 110 dặm cũng đã áp dụng chính sách thưởng tiền cho các cặp vợ chồng khi sinh con. Số tiền hỗ trợ sẽ lớn dần theo số con mà họ sinh ra. Theo đó, các gia đình sẽ nhận được 100.000 yen (khoảng gần 21 triệu đồng) cho đứa con thứ nhất của họ, 150.000 yên (gần 31 triệu đồng) cho đứa con thứ hai và 400.000 yên (khoảng 82,5 triệu đồng) cho đứa con thứ năm chào đời. Ngoài hỗ trợ về tiền mặt, chính quyền địa phương còn hỗ trợ các gia đình tiêm chủng miễn phí, trợ cấp nhà ở, trợ cấp học tập và giảm chi phí nhà trẻ.
Tới câu chuyện quen đã thành “vấn nạn” của nhiều quốc gia trên toàn cầu
Điều đáng nói là suy giảm dân số không phải là thách thức mà chỉ thị trấn Kainan phải đối mặt. Nhật Bản từ lâu đã được xem là luôn đứng ngôi đầu trong danh sách những quốc gia có vấn nạn già hóa và suy giảm dân số nan giải, dai dẳng nhất.
Theo số liệu sơ bộ của chính phủ Nhật Bản, tổng dân số nước này vào ngày 1/1/2023 là 124,77 triệu người, giảm khoảng 538.000 người so với mức một năm trước. Năm 2023 là năm thứ 12 liên tiếp dân số của Nhật Bản đi xuống. Số người già từ 65 tuổi trở lên, chiếm 29% tổng dân số của Nhật Bản, đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi thống kê dân số từ năm 1950. Ngược lại, số trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi chỉ chiếm 11,6% và là mức thấp kỷ lục. Song song với đó, số ca sinh được đăng ký tại Nhật Bản đã giảm mạnh, xuống mức thấp kỷ lục vào năm 2022 - lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 800.000 ca.
Tình hình dân số bi đát đến mức, Thủ tướng Nhật Bản trong phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội Nhật Bản hồi tháng 1/2023 đã phải thốt lên: “Đất nước của chúng ta có nguy cơ không thể duy trì các chức năng của một xã hội vì dân số suy giảm”.
Suy giảm và già hóa dân số nhiều năm qua đã là “câu chuyện quen thuộc” tiếp diễn tại nhiều quốc gia ở khắp các châu lục. Hàn Quốc là quốc gia châu Á khác có thể “cạnh tranh ngang ngửa” với Nhật Bản về kỷ lục suy giảm và già hóa dân số. Theo số liệu do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22/2/2023, có 249.000 trẻ sơ sinh sinh ra năm 2022, giảm 4,4% so với năm trước.
Năm 2023 cũng là năm thứ 3 liên tiếp nền kinh tế lớn thứ tư châu Á ghi nhận số ca tử vong vượt quá số ca sinh. Hàn Quốc cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có tỉ lệ sinh dưới 1 (một phụ nữ Hàn Quốc hiện sinh trung bình 0,78 con trong đời - mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu lần đầu được ghi lại năm 1970). Nhiều dự đoán cho rằng, nếu tỷ lệ kết hôn mới tiếp tục giảm, việc tỷ lệ sinh giảm xuống mức 0,6 tại Hàn Quốc chỉ là vấn đề thời gian.
Tại châu Âu, Nga là một trong những quốc gia đau đầu bởi thực trạng suy giảm dân số. Cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat mới đây đã đưa ra báo cáo cáo cho biết dân số Nga sẽ giảm 3 triệu người vào năm 2030 và dân số nước này sẽ tiếp tục giảm và giảm hơn 7 triệu người vào năm 2046. Sự suy giảm dân số ở Nga vào năm 2020 tăng hơn gấp đôi, từ 316.200 người vào năm 2019 lên 688.700 người. Các chỉ số này đang ở mức cao nhất kể từ năm 2005, khi mức suy giảm dân số tự nhiên là 846.600 người. Tỷ lệ sinh của Nga đang ở mức thấp. Thống kê trung bình mỗi năm, dân số Nga lại sụt giảm 0,5% trên con số 146 triệu người. Nếu cứ đà giảm trên, đến cuối thế kỷ này dân số Nga chỉ còn lại một nửa.
Cũng tại châu Âu, nhiều quốc gia Đông Âu như Moldova đang chứng kiến dân số giảm 11,6%, Bulgaria là 9,4%. Latvia và Lithuania – hai đất nước Bắc Âu – ghi nhận dân số giảm tương ứng 10,9% và 8,6%. Nhìn chung, số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy quy mô dân số của các nước khu vực Đông Âu năm 2022 giảm 14,7% so với năm 2010, nhóm các nước mới nổi và đang phát triển của châu Âu giảm 9,4%.
Khu vực Mỹ Latinh nhiều năm qua cũng chứng kiến thực trạng suy giảm dân số. Năm 2021, Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của LHQ (ECLAC) cho biết, trong những thập kỷ qua, khu vực này đã có sự sụt giảm cả trong tỷ lệ sinh cũng như tỷ lệ tử vong. Theo báo cáo, nếu vào giữa thế kỷ trước, tỷ lệ tăng dân trung bình hằng năm của khu vực Mỹ Latinh ở mức 2,8%, thì hiện tại tỷ lệ trên chỉ còn ở mức 1,2%. Báo cáo ước tính tổng dân số trong khu vực sẽ ở mức 656 triệu người vào năm 2025 và 707 triệu người vào năm 2040. Đơn cử như trong giai đoạn 2010 – 2022, Puerto Rico – vùng lãnh thổ thuộc Mỹ ở Caribe – có dân số giảm 17,1%, dẫn đầu thế giới.
Thách thức không dễ hóa giải
Như đã nói, không chỉ đến tận bây giờ, cũng không chỉ có thị trấn Kainan, mà chuyện thưởng tiền để khuyến khích người dân sinh con đã là giải pháp được Nhật Bản thực hiện từ lâu. Chính phủ Nhật Bản cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, giảm giá các dịch vụ sinh nở, chăm sóc trẻ em, giảm giá thành, tăng chất lượng các dịch vụ trông giữ trẻ, khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh, bà bầu, chăm sóc sau sinh.
Để đối phó với tình trạng suy giảm dân số, tháng 12/2022, chính phủ Hàn Quốc đã công bố gói các biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp và dân số già, như nhà ở giá cả phải chăng hơn và cơ hội việc làm tốt hơn cho những người trẻ tuổi... Chính phủ nước này từng cung cấp 700.000 won (540 USD) mỗi tháng cho các gia đình có con dưới 1 tuổi, với khoản thanh toán sẽ tăng lên 1 triệu won (766 USD). Chính phủ Hàn Quốc còn tìm cách nới lỏng các hạn chế với lao động nhập cư để giải quyết tình trạng suy giảm dân số.
Chính phủ Nga cũng đã triển khai rất nhiều giải pháp để khuyến khích người dân sinh con. Chính phủ Nga cũng hỗ trợ bằng tiền mặt, các khoản vay dài hạn đối với những gia đình nghèo. Mỗi gia đình nhận được khoảng 200 USD/tháng cho đến khi đứa con đầu tiên được 18 tháng tuổi. Khi sinh người con thứ hai, mỗi gia đình sẽ nhận được 1 khoản tiền khoảng 7.600 USD cùng với việc hỗ trợ gia hạn các khoản vay để mua nhà, xe hơi, miễn trừ nhiều loại thuế. Đối với các gia đình có con thứ 2, mức hỗ trợ này sẽ kéo dài 3 năm, sinh con thứ 3, thời hạn hỗ trợ sẽ kéo dài 5 năm. Tỷ lệ lãi suất ngân hàng để vay mua nhà sẽ được giảm từ 10% xuống còn dưới 6%. Nga còn chọn ngày 12/9 hằng năm làm Ngày Nhận thức (hay còn gọi là ngày sinh sản). Những người phụ nữ sinh con vào đúng 9 tháng sau (ngày 12/6) sẽ nhận được 1 chiếc tủ lạnh.
Những chính sách “ưu đãi sinh con” của Canada cũng không hề kém cạnh. Đơn cử như gia đình có thu nhập từ 30.000 CAD/năm trở xuống (khoảng 300 triệu đồng), sẽ được hỗ trợ 6.400 CAD/năm (khoảng 106 triệu đồng). Từ đứa con tiếp theo, mỗi gia đình nhận được thêm tối đa 5.400 CAD (khoảng 90 triệu đồng). Toàn bộ chi phí sinh sản, khám chữa bệnh sau sinh, cho cả người lớn và trẻ em đều được Nhà nước chi trả.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tiền và các chính sách hỗ trợ tối đa vẫn không đủ sức thu hút người dân các nước sinh con. Như tại Nhật Bản - nơi được xếp hạng là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ. Kinh tế đình trệ, thu nhập hộ gia đình thực tế trung bình hằng năm giảm từ 6,59 triệu yên (50.600 USD) năm 1995 xuống còn 5,64 triệu yên (43.300 USD) vào năm 2020, theo dữ liệu năm 2021 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, đã khiến ngày càng nhiều người Nhật ngại lập gia đình, sinh con.
Hà Anh