Thêm biến số với nợ xấu ngân hàng

16/12/2022 08:24

Thực trạng khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, trái phiếu địa ốc nói riêng, đang gây áp lực lên nợ xấu ngân hàng.

Nợ xấu ngân hàng đang chịu áp lực tăng tăng. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu ngân hàng đang chịu áp lực tăng tăng. Ảnh: Dũng Minh

Áp lực nợ xấu tăng nhanh

Thực tế, chất lượng tín dụng trong quý III/2022 của nhiều ngân hàng đã bị ảnh hưởng khi tỷ lệ nợ xấu tăng lên, còn tỷ lệ dự phòng giảm đi. Nợ xấu tăng một phần do các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã hết hạn từ tháng 6/2022. Với việc một phần dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu, tỷ lệ hình thành nợ xấu tăng nhanh trong quý III/2022, cho dù tổng dư nợ tái cơ cấu do Covid tại các ngân hàng đến cuối tháng 9/2022 đã giảm 58% so với đầu năm và thấp hơn so với những giai đoạn bùng phát dịch trước đó.

Ngoài ra, điểm đáng lưu ý là tác động từ việc tăng lãi suất cho vay và sự đi xuống của thị trường bất động sản thời gian qua chưa được phản ánh hết trong kết quả kinh doanh quý III/2022 của các ngân hàng.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho biết, trong số trái phiếu địa ốc giai đoạn 2020-2022, trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết chiếm tới hơn 80%. Ở giai đoạn này, nhiều ngân hàng mua lại số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, chiếm tới hơn 40% tổng lượng trái phiếu phát hành trên thị trường.

Theo ông Hiển, nếu nhìn vào số liệu dư nợ tín dụng Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thì khó khăn hiện nay của thị trường bất động sản chưa hẳn do thiếu vốn, có lẽ vấn đề nằm ở chỗ các doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, không có dòng tiền quay vòng vốn. Vì thế, giải pháp phù hợp lúc này là phải tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, còn nếu cho doanh nghiệp huy động thêm tiền từ nguồn vốn tín dụng, từ phát hành trái phiếu mà vẫn không bán được hàng thì tỷ lệ nợ sẽ càng tăng, sức ép tài chính sẽ càng lớn hơn. Dẫu vậy, nhìn ở góc độ tích cực, sự suy thoái của bất động sản cũng là một sự thanh lọc cần thiết để thị trường này trở nên lành mạnh hơn.

Công ty Chứng khoán SSI cũng nhìn nhận, các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng sẽ tương đối lớn. Theo SSI, thời gian qua, rất nhiều công ty bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn và tái cơ cấu nợ cho hoạt động kinh doanh của mình. Điều này có thể làm gia tăng rủi ro liên quan đến khả năng trả nợ của những công ty này. Một số công ty đã đề nghị ngân hàng cho tạm hoãn thanh toán gốc và lãi vay.

Ngoài ra, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (sau khi loại trừ nhóm trái phiếu do ngân hàng phát hành) đang lưu hành trên thị trường vào khoảng 945.000 tỷ đồng, trong đó 27% sẽ đáo hạn vào năm 2023 và 2024; 12% sẽ đáo hạn vào năm 2025 và gần 1/3 số trái phiếu này nằm trên bảng cân đối kế toán của ngân hàng.

Cần lưu ý rằng, con số trên chưa bao gồm trái phiếu đã được phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân nhưng có bảo lãnh thanh toán, cũng như những trái phiếu “nằm ngoài” bảng cân đối kế toán của ngân hàng. Do đó, ngân hàng vẫn sẽ chịu rủi ro tín dụng liên quan tới những trái phiếu theo hợp đồng repo.

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản đang đối mặt với tình trạng hàng tồn kho tăng nhanh, doanh số bán hàng giảm, dẫn tới chịu áp lực đáng kể về dòng tiền ngắn hạn khi một số trái phiếu sắp đến ngày đáo hạn, đặc biệt là trong giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023.

Tín dụng vẫn khó chảy vào bất động sản

Trong năm 2023, dòng vốn mới vẫn sẽ khó chảy vào bất động sản vì được cho là lĩnh vực rủi ro.

Theo cập nhật mới nhất từ các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý III/2022, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận xu hướng nợ xấu gia tăng sau 9 tháng đầu năm 2022. Đáng chú ý là, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn và phải trích 100% dự phòng) tăng bằng lần, khiến nợ xấu càng trở nên xấu hơn.

Báo cáo mới đây của WiGroup - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam cho biết, dù thấp hơn so với giai đoạn trước dịch, nhưng tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực bất động sản đã tăng mạnh trong quý III/2022, cũng là quý tăng thứ 4 liên tiếp và đạt mức 1,6% nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng. Sự gia tăng này chủ yếu xuất phát từ các khoản nợ có khả năng mất vốn đã tăng mạnh hơn 30.000 tỷ (tăng 70%) so với hồi đầu năm. Trong khi đó, tính đến cuối quý III/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm còn 141%.

Thực tế, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình trạng khó khăn do thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ… theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Việc mở rộng tín dụng cần đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân.

Đại diện Vietcombank cũng cho hay, room tín dụng của Ngân hàng hiện còn khoảng 20.000 tỷ đồng, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho khách hàng từ nay đến hết năm, nhưng sẽ tập trung cho vay các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu…

Theo TS. Đinh Thế Hiển, trong năm 2023, ngân hàng dù có room tín dụng mới, nhưng dòng vốn mới này vẫn sẽ khó chảy vào bất động sản vì được cho là lĩnh vực rủi ro. Trong bối cảnh đó, các công ty bất động sản muốn thông qua kênh trái phiếu để huy động vốn thì phải kèm theo nhiều điều kiện khắt khe. Kênh trái phiếu có thể cung cấp vốn dài hạn khi các dự án chưa hoàn thành, nhưng điểm cần quan tâm nhất hiện nay là sự minh bạch, cơ chế dành cho việc hoán đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu phải chuyên nghiệp, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước siết chặt hơn tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro, bao gồm cả bất động sản, dẫn tới các chủ thể kinh doanh lĩnh vực này khó tiếp cận vốn tín dụng, từ đó ảnh hưởng đến thị trường chung. Thực tế cho thấy, bài học nợ xấu tăng mạnh do đẩy vốn ồ ạt vào bất động sản trước đây đã để lại hậu quả nặng nề và tới nay vẫn chưa giải quyết hết, dù đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu.

Báo cáo tình hình hoạt động quý III/2022 của Bộ Xây dựng cho biết, tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối tháng 8/2022 giảm hơn 7.340 tỷ đồng so với tháng 6/2022, về mức 777.235 tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt khoảng 323.000 tỷ đồng, trong đó giá trị trái phiếu bất động sản vào khoảng 93.000 tỷ đồng, chiếm 28,87% tổng giá trị trái phiếu phát hành.

Mặc dù tín dụng và giá trị trái phiếu phát hành đều giảm mạnh thời gian qua, nhưng trong dài hạn, rủi ro nợ xấu bất động sản vẫn tiềm ẩn khi “nút thắt” thanh khoản chưa được tháo gỡ và áp lực đáo hạn trái phiếu đã lộ rõ.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, huy động vốn ngân hàng là ngắn hạn, trong khi vốn cho bất động sản là dài hạn nên mở rộng tín dụng lĩnh vực này sẽ tiềm ẩn rủi ro. Theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường bất động sản cần huy động nguồn lực qua nhiều kênh vốn để phát triển như vốn đầu tư trực tiếp, từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân..., tránh phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn tín dụng như hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết "Thêm biến số với nợ xấu ngân hàng" tại chuyên mục Tài chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).