Thị trường tiền mã hóa đã chứng kiến nhiều biến động trong năm nay. Ảnh: Bloomberg.
Theo CNN, sau sự sụp đổ của FTX, giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác đã giảm hơn 60% trong năm nay. Không dừng lại ở đó, cuộc khủng hoảng đang lan sang các công ty hoạt động trong mảng tài sản kỹ thuật số.
Trong “nguy” có “cơ”
Những cái tên như Coinbase, Square-owner Block, hai công ty khai thác Bitcoin hàng đầu là Hive và Riot, Ngân hàng tiền điện tử Silvergate và Công ty phần mềm MicroStrategy. Cổ phiếu của các công ty trên đều đã giảm mạnh trong tháng vừa qua.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi về việc thời kỳ đen tối nhất của tiền mã hóa liệu đã kết thúc? Suy cho cùng, sự biến động của thị trường là một đặc tính trong ngành công nghiệp đầy non trẻ này. Tiền mã hóa nổi tiếng với những đợt lao dốc không phanh cùng với các màn lội ngược dòng ngoạn mục.
Đây không phải là mùa đông đầu tiên của thị trường tiền mã hóa. Thị trường đã chứng kiến những đợt biến động lớn vào năm 2018, đầu năm 2020 và mùa hè năm 2021.
“Ngành công nghiệp tiền mã hóa cần xây dựng những sản phẩm tốt hơn. Nhiều xáo động xảy ra vào thời điểm ‘thị trường bò’. Mọi người đã chạy theo trong sự phấn khích”, ông Hany Rashwan, Giám đốc điều hành của Công ty 21.co, nhận định.
Tuy nhiên, ông Rashwan đã ngạc nhiên khi nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng tiền mã hóa đang ngày càng tồi tệ hơn.
Dù thị trường tiền mã hóa đi xuống, giá Bitcoin vẫn dao động quanh mức 17.000 USD. Ảnh: CoinDesk.
Trong đợt bán tháo gần đây, giá Bitcoin đã giảm hơn 15% chỉ trong tháng 11. Tuy nhiên, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới vẫn có giá dao động quanh mức 17.000 USD, cao gấp ba lần so với thời điểm “thị trường gấu”, giai đoạn những ngày đầu của đại dịch năm 2020.
“Làm thế nào mà Bitcoin vẫn tiếp cận 17.000 USD? Đó là dấu hiệu cho thấy mọi người vẫn đang sử dụng tiền mã hóa và cố gắng bảo vệ tài sản. Niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa bị lung lay quá mạnh”, ông Rashwan bình luận.
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng công nghệ blockchain vẫn là một điểm tựa vững chắc cho Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa khác tồn tại.
“Chúng ta sẽ thấy một số thách thức trong tương lai gần. Tuy nhiên, đây chính là chất xúc tác để thúc đẩy những cải tiến ra đời”, ông John Avery, lãnh đạo bộ phận chiến lược và sản phẩm tiền mã hóa, Web3 và thị trường vốn tại FIS.
Ngoài ra, ông Avery hy vọng các nước sẽ có thêm những quy định đối với tiền mã hóa vào năm 2023. “Chúng ta luôn cần phải cân bằng giữa sự đổi mới và việc bảo vệ nhà đầu tư. Các quy định không phải lúc nào cũng giải quyết được điều này nhưng nó vẫn rất quan trọng”, ông Avery cho biết.
Bài học từ những biến động
Một số quan điểm cho rằng sự sụp đổ của FTX sẽ giúp các công ty còn tồn tại phải nghiêm túc củng cố lại bộ máy sau cuộc khủng hoảng tiền mã hóa. Sàn giao dịch Coinbase có thể sẽ được hưởng lợi trong thời gian dài, bất chấp cổ phiếu đang giảm giá.
“Sự thất bại của FTX sẽ kêu gọi sự giám sát chặt chẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý đối với lĩnh vực này. Người tham gia vào thị trường tiền mã hóa sẽ được nhận các hướng dẫn rõ ràng hơn”, ông Fadi Massih, Phó chủ tịch bộ phận tổ chức tài chính của Moody, khẳng định.
Những biến cố trong thị trường tiền mã hóa đã chứng minh rằng Bitcoin sẽ mãi mãi không phải là sự thay thế cho đồng USD hoặc các loại tiền tệ khác được chính phủ hậu thuẫn. Tiền mã hóa vẫn chỉ là một tài sản đầu tư.
“Tiền mã hóa đã được một số người ca ngợi vì bản chất phi tập trung, dễ mua bán và chi phí giao dịch thấp. Tuy nhiên, ngay cả Bitcoin, loại tiền mã hóa lâu đời nhất, vẫn tiếp tục biến động hơn so với giá cổ phiếu và trái phiếu. Điều đó khiến chúng không thể trở thành một nơi lưu trữ tài sản an toàn”, ông Jason Pride, Phó chủ tịch của Glenmede, phân tích trong một báo cáo.
Sự hỗn loạn trên thị trường tiền mã hóa xảy ra vào thời điểm chứng khoán có những bước trở lại ngoạn mục. Các nhà đầu tư tán thành động thái tăng lãi suất vừa phải hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Họ cũng bày tỏ hy vọng rằng lợi nhuận của các công ty sẽ cao hơn dự kiến khi người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục chi tiêu mạnh hơn.