Bắt đầu được 'dòm ngó'
Không chỉ El Salvador chấp nhận Bitcoin là đồng tiền chính thống được phép lưu thông, tiền điện tử đang được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ trở nên phổ biến thông qua sự hiện diện trong nền kinh tế.
Alyssa Howell, 35 tuổi, làm việc tại bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Exodus, một công ty về ví Bitcoin và tiền điện tử cho biết cô đang được trả lương bằng Bitcoin dựa trên mức lương USD.
“Vào ngày đầu tiên của tháng, công ty sẽ chốt giá và xem đó là tỷ giá chuyển đổi. Giả sử 1 Bitcoin có giá 50.000 USD vào thời điểm đó và thu nhập của tôi là 25.000 USD, tôi sẽ nhận được 1 nửa Bitcoin”, Howell cho biết.
Lãnh đạo Exodus tiết lộ, công ty trả tiền cho nhân viên bằng Bitcoin để giúp các loại tiền ảo trở nên phổ biến hơn. Nhân viên của Exodus cũng có thể chuyển đổi tiền điện tử thành USD và công ty sẽ trả phí chuyển đổi, tuy nhiên, Howell đã quyết định đặt hết kỳ vọng vào tiền điện tử.
Mặc dù đôi lúc gặp rắc rối với những khoản thanh toán, thế chấp nhưng Howell vẫn giữ 10% Bitcoin để tiết kiệm và không lo lắng về sự lên xuống của đồng tiền này. “Chiến lược đầu tư của tôi là dài hạn nên tôi không theo dõi sự biến động vào ngày hôm nay mà nhìn vào tương lai trong năm năm tới, 10 hay 20 năm tới”, Howell cho biết thêm.
Tiền điện tử cũng thu hút sự chú ý từ những người có sức ảnh hưởng trong nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp lớn.
Dù đã thể hiện được những lợi thế nhất định, nhưng tiền số vẫn để lại nhiều hoài nghi
Interactive Brokers Group – công ty của tỷ phú người Hungary Thomas Peterffy gần đây đã cung cấp phương thức giao dịch Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Bitcoin Cash. Trong khi đó, người sáng lập Bridgewater Associates coi các khoản đầu tư tiền số như một loại tiền thay thế khi mà lạm phát làm xói mòn sức mua.
Còn nhiều hoài nghi
Sự đổ vỡ của Luna và đồng UST cũng như giá Bitcoin, Etherum… liên tục giảm trong thời gian qua đã khiến nhiều người mất dần niềm tin vào tiền điện tử.
Tại một cuộc thảo luận mới đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, các ngân hàng trung ương và các nhà quản lý đã cho rằng, tiền điện tử sẽ khó giành được sự săn đón của các tổ chức cho đến khi hoạt động giống các loại hình tiền tệ truyền thống.
“Bitcoin có thể gọi là một đồng xu nhưng nó không phải là tiền. Nó không phải là nơi lưu trữ giá trị ổn định”, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF cho hay. Mặc dù nhận định một số loại hình tiền điện tử giống như sơ đô kim tự tháp (mô hình không bền vững) bởi chúng không được hỗ trợ bởi các tài sản thực, bà Georgieva cũng chỉ ra những đồng tiền điện tử của các ngân hàng trung ương được chính phủ hỗ trợ trên thực tế có thể ổn định hơn.
Đồng quan điểm với bà Georgieva, Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho rằng, tiền điện tử không phải là phương tiện thanh toán đáng tin cậy. Trên thực tế, các cố vấn tài chính vẫn luôn cảnh báo rằng tiền điện tử không cung cấp các biện pháp bảo vệ tương tự như tài khoản ngân hàng truyền thống.
Ông Villeroy cũng nói thêm rằng, các chính phủ muốn áp dụng tiền điện tử sẽ cần đến sự hợp tác của các ngân hàng thương mại lớn.
Bàn về mục tiêu dài hạn của tiền điện tử, Sethaput Suthiwartnarueput, Thống đốc của Ngân hàng Thái Lan, cho biết Thái Lan đã và đang thử nghiệm tiền tệ kỹ thuật số. Tuy nhiên, nước này chỉ xem tiền điện tử là một khoản đầu tư, thay vì là phương tiện thanh toán.
Trước đó, chính phủ Nga cũng đã thông qua một khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý tiền kỹ thuật số, với mục tiêu đưa chúng vào hệ thống tài chính và trọng tâm là bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư tư nhân.
Có thể thấy, sẽ cần thêm nhiều thời gian cũng như các quy định, khuôn khổ pháp lý từ các chính phủ để đồng tiền kỹ thuật số phát triển và trở thành xu hướng chủ đạo hơn đối với người tiêu dùng, các tổ chức tài chính lớn.