Loạt dự án “đắp chiếu” bị “trảm”
Đã có thời Tập đoàn Nam Cường là một trong những “thế lực” lớn của thị trường bất động sản nhờ có trong tay quỹ đất khủng. Cách đây hơn chục năm, Nam Cường rất tập trung “gom” đất khi tham gia nhiều dự án BT.
Thông qua hình thức BT, Nam Cường có trong tay loạt dự án lớn như khu đô thị Dương Nội, khu đô thị Phùng Khoang, Khu đô thị Quốc Oai, Khu đô thị Thạch Thất, Khu đô thị Thạch Phúc, Khu đô thị Chúc Sơn,...
Không chỉ “gom đất” ở Hà Nội, Nam Cường còn vươn tới nhiều tỉnh thành khác nhờ tham gia các dự án BT. Tại Nam Định, Nam Cường trở thành chủ của 3 khu đô thị Hòa Vượng, Thống Nhất, Mỹ Trung. Tại Hải Dương, Nam Cường có Khu đô thị phía Tây Hải Dương,…
“Ôm” nhiều đất nhưng Nam Cường không triển khai xây dựng mà để hoang hóa hàng ngàn ha đất vàng Hà Nội.
Năm 2021, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Tập đoàn Nam Cường gây chú ý khi nhiều lần được “điểm danh” trong danh sách này.
Một số dự án có thể kể đến như chậm giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị Chương Mỹ; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị Cổ Nhuế,...
Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất và quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Đồng thời kiến nghị ra hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Nam Cường làm chủ đầu tư...
Cùng với đó, Nam Cường cũng gây nhiều tranh cãi khi xây thừa 500 căn biệt thự tại Khu đô thị Dương Nội và nghi vấn thiếu cân đối trong thực hiện dự án BT đổi đất lấy hạ tầng.
Tới giữa năm 2021, trong dach sách 82 dự án BT Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa thông báo dừng triển khai, có một dự án của Tập đoàn Nam Cường là trục kinh tế Bắc – Nam đoạn qua địa bàn huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20km x 42m.
Tài sản “bốc hơi” 1.857 tỷ đồng
Năm 2021, Tập đoàn Nam Cường ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng vẫn rất khiêm tốn, chỉ đạt 144 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với quy mô 4.500 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu.
Xét về doanh thu, Nam Cường rơi xuống “đáy” 79,1 tỷ đồng trong năm 2020. Trước đó, chỉ tiêu này đạt 229 tỷ đồng (năm 2019), 308 tỷ đồng (năm 2018), 578 tỷ đồng (năm 2017).
Như vậy, chỉ sau 5 năm, doanh thu giảm 434 tỷ đồng, tương đương 75,1%.
Trong năm 2021, dựa vào các chỉ tiêu chi phí, có thể thấy Nam Cường hoạt động khá cầm chừng. Chi phí bán hàng tăng từ 0 đồng lên 4,6 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 22,2 tỷ đồng xuống 10,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm từ 18,3 tỷ đồng xuống 3,1 tỷ đồng. Đáng chú ý chi phí lãi vay 2 năm 2020 và 2021 chỉ là 0 đồng dù Nam Cường nợ 363 tỷ đồng (cuối năm 2021) và 1063 tỷ đồng (cuối năm 2020).
Do mạnh tay cắt giảm chi phí nên năm 2021, Nam Cường đạt 6,1 tỷ đồng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh thay vì lỗ 5,8 tỷ đồng của năm 2020. Nhưng do gánh khoản lỗ khác lên đến 6,3 tỷ đồng nên tính chung, năm 2021, Tập đoàn lỗ 9,5 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 5,4 tỷ đồng của năm 2020.
Trước đó, trong các năm 2017, 2018, 2019, Nam Cường lần lượt lãi 121 tỷ đồng, 85 tỷ đồng và 28,7 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2021, Tập đoàn Nam Cường lỗ lũy kế 37,4 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 3.590 tỷ đồng dù vốn góp chủ sở hữu là 4.500 tỷ đồng. Như vậy, vốn của cổ đông đã “bay” gần 1.000 tỷ đồng.
Kết quả là tổng tài sản Tập đoàn chỉ còn 4.537 tỷ đồng, giảm 1.867 tỷ đồng, tương đương 29% so với năm 2020.
“Bỏ quên” thị trường Hà Nội?
Tại Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường có rất nhiều dự án nhưng dường như Nam Cường đang “bỏ quên” thị trường lớn này.
Tại thời điểm cuối năm 2021, hàng tồn kho của Nam Cường chỉ là 1.495 tỷ đồng, biến động nhẹ so với con số 1.431 tỷ đồng của năm 2020. Giá trị xây dựng cơ bản dở dang khiêm tốn ở mức 557 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 518 tỷ đồng.
Cả hàng tồn kho và giá trị xây dựng cơ bản dở dang tăng rất nhẹ trong khi doanh thu đứng ở mức thấp cho thấy năm qua, Nam Cường đầu tư rất ít cho hoạt động thi công dự án.
Đáng chú ý, ở hàng tồn kho, dự án KĐT Mỹ Trung, TP Nam Định chiếm nhiều nguyên nhân khi có giá trị 1.029 tỷ đồng. Sau đó là KĐT Hòa Vượng (Nam Định) với 234 tỷ đồng, KĐT Thống Nhất (Nam Định) với 278 tỷ đồng, dự án Hà Giang (2,2 tỷ đồng), dự án Y Tý – Lào Cai (874 triệu đồng), dự án khu ĐT km6, TP Buôn Ma Thuột (272 triệu đồng).
Đóng góp vào giá trị xây dựng cơ bản dở dang gồm có Công trình dự án B1 Phú Yên (435 tỷ đồng), Công trình khách sạn quốc tế Đồ Sơn (89,1 tỷ đồng), công trình khách sạn Nam Định (28,4 tỷ đồng),...
Có thể thấy, trong danh sách này, Nam Cường ưu tiên các dự án ở Nam Định và “bỏ quên” hoàn toàn Hà Nội.
Bị “đàn em” qua mặt
Cách đây gần 1 thập kỷ, Nam Cường được xem là một trong những “ông lớn” bất động sản hàng đầu Hà Nội. Thế nhưng, hiện tại, Nam Cường đã bị “đàn em” cho qua mặt.
Với vốn chỉ gần 2.200 tỷ đồng và nổi lên muộn hơn Nam Cường nhưng hàng năm Văn Phú – Invest vẫn thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận: 344 tỷ đồng (năm 2021), 307 tỷ đồng (năm 2020), 511 tỷ đồng (năm 2019), 435 tỷ đồng (năm 2018) và 419 tỷ đồng (năm 2017).
Không có kết quả tốt như Văn Phú – Invest nhưng Hải Phát Invest với vốn gần 3.050 tỷ đồng đã thu về lợi nhuận sau thuế 286 tỷ đồng (năm 2021), 97,6 tỷ đồng (năm 2020), 453 tỷ đồng (năm 2019), 452 tỷ đồng (Năm 2018) và 325 tỷ đồng (năm 2017).