Vốn, vốn và vốn đâu?

21/11/2022 22:54

Kinh tế bắt đầu suy kiệt trong bối cảnh các doanh nghiệp kinh doanh trong điều kiện lãi suất so với lạm phát cao nhất thế giới và thiếu vốn trầm trọng.

 

Báo cáo của Ban IV (Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính) phản ánh là khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo... 

“Thách thức về việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng do dòng tiền của các doanh nghiệp đã cạn kiệt sau hơn 2 năm dịch bệnh”, báo cáo nhận định.

Tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất.
Tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất.

Trong khi đó, tín dụng ngân hàng xa tầm với của doanh nghiệp vẫn tiếp tục là chuyện được nhắc đi nhắc lại. Có chưa đến một nửa số lượng ngân hàng được cấp hạn mức tín dụng mới và mức điều chỉnh cũng có sự phân hóa. Dù được chấp thuận về hạn mức tín dụng tăng thêm nhưng mức này vẫn là khá thấp so với kỳ vọng của thành viên trên thị trường. Tiến sĩ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng: “Thậm chí, nếu có đợt điều chỉnh room cuối năm thì mức tăng trưởng tín dụng 14% năm nay cũng không đủ để đáp ứng hết nhu cầu vốn của doanh nghiệp”.

Trong bối cảnh này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng doanh nghiệp phải tìm cách huy động tiền ở các thị trường vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... Thực tế, thị trường trái phiếu từ khi đi vào hoạt động đến nay đã giúp huy động 2,47 triệu tỉ đồng. Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang lâm vào cuộc khủng hoảng lớn sau sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Kéo theo đó là sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán khiến VN-Index thủng đáy 900 điểm, nửa tháng vốn hóa bốc hơi gần 19 tỉ USD. Bộ Tài chính cho biết, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328.900 tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.

Để giải quyết bài toán của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, quy định của Việt Nam đối với các quỹ đầu tư vẫn khá cứng, danh mục đầu tư thường bị quy định rõ trái phiếu niêm yết hay không niêm yết, bất động sản hay không bất động sản... “Có thể những trái phiếu của doanh nghiệp có điểm xếp hạng thấp thì hạn chế các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ liên quan đến bảo hiểm. Còn các loại có ít tính đầu cơ, rủi ro thấp thì các quỹ được đầu tư với hạn mức cao hơn, thay vì áp đồng loạt 10-15%, hoặc một số quỹ không được đầu tư trái phiếu bất động sản. Thực ra trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều doanh nghiệp rất tốt, trái phiếu rất tốt”, ông Thuân kiến nghị.

Trong khi chờ đợi, nhiều doanh nghiệp xoay xở bằng kênh huy động từ thị trường quốc tế góp phần giải bài toán thiếu vốn dịp cuối năm. Như Ngân hàng VPBank vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD, tương đương gần 12.500 tỉ đồng từ 5 định chế tài chính lớn. HSBC Việt Nam cùng với một số định chế tài chính khác vừa cung cấp cho Tập đoàn Masan và Công ty The Sherpa (công ty con của Masan) một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD... Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đang quản lý chặt chẽ hơn hạn mức, giới hạn vay nước ngoài của doanh nghiệp để đề phòng rủi ro từng đối tượng và không để nhiều vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán...

 Ban chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng dòng tiền tiết kiệm trong dân vẫn rất lớn, nếu được dẫn vốn đúng hướng sẽ phát huy được kênh huy động vốn cho nền kinh tế mà không bị phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng thương mại, vốn chỉ phù hợp với vốn lưu động và tiền gửi thanh toán và ngắn hạn. Bên cạnh đó, dòng tiền kiều hối, dòng tiền đầu tư FDI, dòng tiền đầu tư tài chính nước ngoài cũng đang tìm kiếm cơ hội cho vay và đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam.

 

Về giải pháp trước mắt, theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước đã hút vào 600.000 tỉ đồng dẫn tới tiền không có trong lưu thông. Đồng thời, 900.000 tỉ đồng đầu tư công do phát hành trái phiếu chính phủ đang bị đóng băng. Do đó, cần phải tìm cách giải phóng số tiền này đang bị tắc tại hệ thống ngân hàng.

Thứ nhất, có thể dùng 300.000 tỉ đồng gửi vào 4 ngân hàng quốc doanh lớn và cho phép cho vay ngắn hạn. Thứ 2, trích một phần trong số tiền này thành lập khẩn trương quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp như Chính phủ Trung Quốc và Hàn Quốc đang làm. Quỹ sẽ mua lại trái phiếu, bảo lãnh, tái bảo lãnh trái phiếu rồi từ từ xử lý tài sản trong tương lai. Thứ 3, Chính phủ cũng nên xem xét kéo dài điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp của Nghị định trước đó thêm 1 năm. Như vậy sẽ có thêm 1 năm để nhà đầu tư không chuyên tiếp tục đầu tư trái phiếu, sau đó từ từ thu hẹp lại.

 

Bạn đang đọc bài viết "Vốn, vốn và vốn đâu?" tại chuyên mục Kiến Thức Tài Chính. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).