Thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc tại các địa phương
Để triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), ngay từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc triển khai HĐĐT. Ban chỉ đạo do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế làm trưởng ban, thành viên là các lãnh đạo tổng cục, vụ trưởng các vụ, đơn vị. Tổ trưởng tổ giúp việc là Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh.
Ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua, Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc của Tổng cục Thuế đã tổ chức triển khai quyết liệt, hoàn thành nhiều nội dung công việc. Tuy nhiên, theo yêu cầu triển khai HĐĐT theo Thông tư 78/2021/TT-BTC, Tổng cục Thuế đã rà soát và kiện toàn lại Ban chỉ đạo, Tổ thường trực triển khai HĐĐT tại Tổng cục Thuế.
Nguồn: hanoimoi.com.vn Infographic: T.L
“Tổng cục Thuế đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ triển khai HĐĐT. Trong đó, Ban chỉ đạo HĐĐT có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp về triển khai; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, các cục thuế, chi cục thuế thực hiện kịp thời, nghiêm túc kế hoạch, nội dung triển khai HĐĐT” - ông Tuấn nói.
Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc tại Tổng cục Thuế, tại quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kế hoạch triển khai HĐĐT, Bộ trưởng cũng đã chỉ đạo cục trưởng cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo triển khai HĐĐT ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm trưởng ban, cục trưởng cục thuế làm phó ban thường trực, các thành viên là đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện. Ban chỉ đạo có tổ giúp việc do cục trưởng cục thuế làm tổ trưởng và thành viên là đại diện lãnh đạo, công chức các chi cục, các phòng thuộc cục thuế và đại diện các sở, ban, ngành, các đơn vị có liên quan trên địa bàn.
Ban chỉ đạo triển khai có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức triển khai HĐĐT trên địa bàn; chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Tổ giúp việc có trách nhiệm tham mưu, trình UBND tỉnh, thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo về việc triển khai HĐĐT trên địa bàn. Căn cứ chương trình, kế hoạch, tiến độ và biện pháp của Tổng cục Thuế, tổ giúp việc cụ thể hóa nội dung kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai HĐĐT ở địa phương; thực hiện triển khai HĐĐT tại địa phương đúng kế hoạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế; định kỳ tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện và báo cáo Ban chỉ đạo địa phương và Ban chỉ đạo của Tổng cục Thuế.
Hai giai đoạn triển khai hóa đơn điện tử
Ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, việc triển khai HĐĐT theo quy định mới sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022. Giai đoạn này triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 triển khai tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
“Trong giai đoạn đầu, Tổng cục Thuế triển khai phần mềm quản lý HĐĐT trên hạ tầng kỹ thuật hiện có. Tổng cục Thuế sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng cho hệ thống HĐĐT vào tháng 4/2022. Phần mềm quản lý HĐĐT đã được thiết kế kiến trúc tổng thể hệ thống trên nền tảng công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0. Kiến trúc hệ thống theo hướng triển khai cho hệ thống dữ liệu lớn (Big Data), phù hợp với yêu cầu về xử lý số lượng lớn giao dịch về hóa đơn” - ông Toàn nói.
Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai theo đúng lộ trình, Tổng cục Thuế cũng tổ chức tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT tại 6 tỉnh, thành phố triển khai đợt 1. Ông Toàn cho biết, hiện nay có khoảng 800 tổ chức đang cung cấp giải pháp HĐĐT theo Thông tư số 32/2011/TT-BTC. Khi triển khai HĐĐT theo Nghị định số 123, hầu hết các đơn vị này đều mong muốn phát triển dịch vụ, nên sẽ có nhu cầu trở thành tổ chức lưu trữ, truyền nhận dữ liệu HĐĐT với cơ quan thuế.
“Do thời gian triển khai gấp, Tổng cục Thuế không thể đảm bảo ngay việc thực hiện các thủ tục pháp lý (ký hợp đồng), chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật và thiết lập đường truyền trực tiếp, cấu hình, kiểm tra các điều kiện kỹ thuật về an toàn bảo mật, toàn vẹn dữ liệu cho số lượng lớn các tổ chức có nhu cầu kết nối với cơ quan thuế. Căn cứ theo Thông tư 78, Tổng cục Thuế lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT để ký hợp đồng kết nối, nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu HĐĐT với có quan thuế theo 2 đợt, tương ứng với 2 giai đoạn triển khai” - ông Toàn chia sẻ thêm.
6 tỉnh triển khai đợt 1 chiếm 70% số hóa đơn
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, hiện cả nước có hơn 841.360 doanh nghiệp đang hoạt động, thì riêng 6 tỉnh, thành phố thực hiện giai đoạn 1 đã chiếm 56,8% số doanh nghiệp của cả nước; hộ kinh doanh chiếm 60% (trong đó hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn chiếm 26%, số thuế chiếm 33%). Số hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn trên tổng số hộ kinh doanh chiếm 7 - 8%. Riêng 6 tỉnh, thành phố triển khai đợt 1 chiếm tới 60 - 70% số lượng hóa đơn của toàn quốc. Vì thế, nếu triển khai đợt 1 thành công sẽ góp phần thực hiện thắng lợi ở các địa phương còn lại.