Trong thời gian ngắn vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.
Vướng vào "bom nợ" lên đến hơn 300 tỷ USD, tập đoàn bất động sản của Trung Quốc đối mặt khó khăn chưa từng có. Từ việc đổ vỡ của Evergrande hầu như không ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam tuy nhiên ở góc nhìn khác thì các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đang đi vào vết xe đổ của tập đoàn Trung Quốc này. Bằng cách huy động vốn không kiểm soát, bom nợ sẽ nổ bất kỳ lúc nào với các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam.
Cụ thể, báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021 có 490 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, với tổng giá trị 308,5 nghìn tỷ đồng, mức cao chưa từng có.
Đáng chú ý, doanh nghiệp bất động sản là nhóm trả lãi trái phiếu cao nhất. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8-13%/năm. 8 tháng đầu năm, tổng khối lượng trái phiếu bất động sản phát hành đạt 107,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 21,6% trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt là doanh nghiệp “chịu chi” khi trả lãi trái phiếu tới 13%/ năm, tiếp sau là Công ty Galactic Group 12,5%, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất xanh 12%...
Theo báo cáo tài chính các doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên thị trường chứng khoán quý 2/2021, mặc dù lãi lớn nhưng rủi ro lớn nhất với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chính là gánh nặng nợ vay ngày càng lớn trong khi tồn kho bất động sản mạnh, âm dòng tiền kinh doanh.
Theo quy định hiện hành tại Luật chứng khoán và nghị định số 153/2020, doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu riêng lẻ theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép phát hành.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, việc cam kết lãi suất cao với trái phiếu bất động sản là mồi nhử của doanh nghiệp, tạo động lực để nhà đầu tư nhanh chóng xuống tiền.
"Nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, đặc biệt cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo", ông Châu cảnh báo.
Trong khi đó, theo Tiễn sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, những rủi ro đối với thị trường trái phiếu bất động sản Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở khi trong 2 năm qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã liên tục nóng lên nhanh chóng. Nhiều công ty bất động sản lớn đều chuyển cơ cấu vốn vay từ ngân hàng sang trái phiếu, nhằm tham gia vào các thương vụ đầu tư hoặc cơ cấu/đảo nợ.
Theo ông Nghĩa, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đều thích huy động vốn từ kênh trái phiếu hơn là vay ngân hàng. Khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều các điều kiện ngặt nghèo và sự kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của ngân hàng.
Trong khi đó, nếu huy động trái phiếu, doanh nghiệp được tự do sử dụng nguồn vốn. Nhiều doanh nghiệp dùng tiền huy động được để đầu tư mới, mua các dự án khác thay vì hoàn thiện các dự án đang có.
Trong trường hợp dòng tiền kinh doanh âm, hoạt động đầu tư khó khăn, cổ phiếu lao dốc, doanh nghiệp sẽ không có khả năng thanh toán của khi trái phiếu đến ngày đáo hạn. Nguy cơ vỡ bom nợ trái phiếu đang dần hiện hữu, đặc biệt là trái phiếu bất động sản mà Evergrande chính là điển hình.