Chú trọng kiểm soát tín dụng bất động sản để giảm thiểu rủi ro

04/11/2022 13:50

Nhận định tình hình thị trường bất động sản thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng sẽ tiếp tục khó khăn. Đề cập đến những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, ông cho biết sẽ tập trung vào hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động nhằm tránh rủi ro, tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật, ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp vào chiều 3-11. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại phiên họp vào chiều 3-11. Ảnh: Quốc hội

Giảm thiểu rủi to, lành mạnh hóa thị trường

Đăng đàn tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 3-11, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản còn những hạn chế, tồn tại như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số vi phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi. Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế. Vì thế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân.

Cơ cấu sản phẩm bất động sản cũng còn sự bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…

Ông cho rằng, thị trường bất động sản có biến động do chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh đầu tư bất động sản. Nguồn cung các loại bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu. Chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản bị hạ thấp hoặc thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản…

Nhận định tình hình thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng dự báo tình hình thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn…

Đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho biết thời gian tới sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra như: giải pháp liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhà ở xã hội cho công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…

Đối với ý kiến của đại biểu về sử dụng vật liệu mới để đảm bảo giải pháp đáp ứng công trình xanh, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, mặc dù được quan tâm nhưng phát triển công trình xanh ở nước ta trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Đến nay cả nước chỉ có khoảng 230 công trình xanh chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra. Một trong những rào cản đó là chưa có nhiều sản phẩm vật liệu được dán nhãn sinh thái xanh, nhãn tiết kiệm năng lượng vật liệu mới để đáp ứng thuận lợi cho các đối tượng sử dụng để phát triển công trình xanh. Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan công trình xanh, sử dụng vật liệu xanh, vật liệu mới, trong đó có ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến vật liệu mới để đảm bảo cho việc mở ứng dụng, phát triển công trình xanh.

Tháo gỡ khó khăn trong đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc phát triển nhà ở xã hội còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan.

Về tổ chức thực hiện vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở đô thị.

Bộ Xây dựng sẽ cùng với các cơ quan bộ, ngành tiếp tục rà soát trong các quy định của pháp luật, quy trình thủ tục. Đồng thời thực hiện các giải pháp để tháo gỡ trong thủ tục hành chính trong đầu tư đất đai, xây dựng, quy hoạch để triển khai phát triển nhà ở xã hội. Trong thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và cho công nhân sẽ thực hiện cụ thể các giải pháp này trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhà ở tái định cư, ông Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận có nhiều dự án nhà tái định cư bỏ hoang. Song ông cho biết các dự án nhà tái định cư này chủ yếu hình thành trước khi có Luật Nhà ở; nguyên nhân do người dân không có nhu cầu ở, công tác tái định cư người dân có chỗ ở nhưng giải quyết công ăn việc làm chưa được quan tâm, nhà tái định cư xuống cấp vị trí dự án không thuận lợi về giao thông, cơ sở hạ tầng…

Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng cho biết tiếp tục hoàn thiện chính sách nhà ở về đất đai đồng bộ; không chỉ giải quyết nơi ở mới mà giải quyết đồng bộ cả các hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; đồng thời rà soát công tác quy hoạch, rà soát nguồn vốn thực hiện dự án tái định cư…

Theo Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự an toàn, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cần cân đối giữa việc ưu tiên cho thị trường bất động sản và việc đảm bảo đạt được các mục tiêu quan trọng của mình.

Trong quá trình kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các biện pháp gián tiếp, quy định theo hướng kiểm soát rủi ro. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên cấp tín dụng các khoản cho vay nhà ở phân khúc thấp. Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân theo quy định. Các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí, nên chưa thể thực hiện cho vay.

Bà Hồng cho hay, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội.

Bạn đang đọc bài viết "Chú trọng kiểm soát tín dụng bất động sản để giảm thiểu rủi ro" tại chuyên mục Tín Dụng. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).