Tăng trưởng tín dụng có thể đạt 13% trong năm 2021
Trong báo cáo tiền tệ công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết tuần vừa qua, không có hoạt động bơm/hút ròng mới nào được thực hiện trên các kênh tín phiếu và OMO của thị trường mở. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0.
"Diễn biến này tiếp tục cho thấy thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn đang ở trạng thái dồi dào, khi lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn vẫn đang thấp hơn mức trung bình cả năm", chuyên gia của BVSC nhìn nhận.
Theo số liệu công bố chi tiết từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tới cuối tháng 9/2021, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế ghi nhận mức tăng 7,88%, tiếp tục cao hơn so với mức tăng cùng kỳ (6,08%, tính tới ngày 30/9/2020). Tính tới ngày 29/10, tăng trưởng tín dụng đã đạt 8,72%, tương đương mức tăng 0,84% so với tháng trước.
BVSC tin rằng với đà tăng như hiện nay, tăng trưởng tín dụng thời gian tới sẽ tiếp tục khả quan và đạt mức tăng 13% cho cả năm 2021, bởi như trong năm 2020, chỉ trong 1 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã bật mạnh từ 7,26% (cuối tháng 11) lên 12,13%.
Có quan điểm khá tương đồng với BVSC, Công ty Chứng khoán SSI cho biết mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đi ngang và duy trì ở mức thấp trong suốt 3 tháng qua phản ánh thanh khoản dồi dào nhờ lượng VND được bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ.
SSI cho biết thêm NHNN trong tuần qua đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Điều này sẽ giúp các ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong thời gian tới nhằm hỗ trợ cho việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm.
SSI cho hay tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%.
Theo công ty chứng khoán này, NHNN cũng đang cân nhắc lùi lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn như đã đề cập trong thông tư 08/2020-NHNN. Mặc dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết NHTM đều đáp ứng mức yêu cầu của NHNN, việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhìn chung được dự báo duy trì ở mức thấp như hiện tại trong thời gian tới. Cụ thể, lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong khi lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.