Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (2/9), hoàn tất tuần giảm thứ ba liên tiếp, sau khi số liệu việc làm khả quan củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát. Giá dầu tăng nhẹ sau mấy phiên liền giảm mạnh, chốt một tuần giảm sâu vì nỗi lo suy thoái kinh tế.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 1,1%, còn 31.318,44 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,1%, còn 3.924,26 điểm - mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7. Chỉ số csụt 1,3%, còn 11.630,86 điểm, hoàn tất chuỗi giảm 6 phiên liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2019.
Cả ba chỉ số đều giảm trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp. Cả tuần, Dow Jones và S&P 500 mất tương ứng 3% và 3,3% điểm số, trong khi Nasdaq trượt 4,2%.
“Đang có nhiều lo ngại về những gì có thể xảy ra trong vài tháng tới đây. Lạm phát và thị trường việc làm sẽ được cân bằng, nhưng sẽ với tổn thất như thế nào? Thị trường vẫn đang cố gắng tìm hiểu việc đó”, nhà phân tích Callie Cox thuộc eToro nhận định.
“Tệ hơn, S&P 500 đang bị mắc kẹt trong một vùng nguy hiểm, thấp hơn ba ngưỡng bình quân lớn. Những ngưỡng bình quân này vốn là mức sàn cho đến vài tuần trước. Giờ đây, những ngưỡng này có vẻ đã trở thành mức trần mà chỉ số không thể bứt phá qua được. Tâm trạng chắc chắn đã thay đổi. Có thể thị trường sẽ không thử phá đáy của đợt bán tháo này thêm lần nữa, nhưng cũng có thể sẽ không sớm đạt thêm đỉnh mới”, bà Cox phát biểu trên CNBC.
Tuần này, chứng khoán Mỹ chịu áp lực giảm mạnh từ các phát biểu cứng rắn của quan chức Fed. Những phát biểu đó được xem là tín hiệu rằng Fed sẽ không sớm dừng việc tăng lãi suất mạnh tay. Điều này khiến các nhà giao dịch cổ phiếu ở Phố Wall lo ngại các chỉ số có thể phá mức đáy thiết lập trong tháng 6, nhất là khi họ biết rằng tháng 9 thường là một tháng xấu đối với thị trường. Một số nhà giao dịch cho rằng nếu không giữ được mốc 3.900 điểm, S&P 500 sẽ đứng trước khả năng xuyên thủng những mức đáy thiết lập trong mùa hè.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy khu vực phi nông nghiệp của nước này có thêm 315.000 công việc mới trong tháng 8, ít hơn mức dự báo 318.000 công việc mới mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc khảo sát của Dow Jones. Lúc đầu, thị trường tăng điểm vì cho rằng số liệu việc làm kém hơn dự báo sẽ giảm khả năng Fed tiếp tục nâng lãi suất mạnh tay. Nhưng sau đó, nhà đầu tư nhận thấy đây vẫn là một con số mạnh, cho thấy thị trường việc làm vẫn thắt chặt, và Fed sẽ không có lý do gì để sớm giãn tiến độ của cuộc chiến chống lạm phát.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 8 tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước, lên mức 3,7%. Báo cáo việc làm này được cho là ý nghĩa quan trọng vì sẽ góp phần quyết định Fed có nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 hay không. Báo cáo quan trọng tiếp theo chi phối quyết định lãi suất sắp tới của Fed là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8, dự kiến công bố vào ngày 13/9.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,66 USD/thùng, chốt ở 93,02 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,26 USD/thùng, đóng cửa ở 86,87 USD/thùng.
Giá dầu hồi phục do kỳ vọng OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga, sẽ thảo luận việc cắt giảm sản lượng trong một cuộc họp vào ngày 5/9. Dù vậy, mối lo về phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc và sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đang gây áp lực giảm lên giá dầu.
Trong phiên ngày thứ Năm, giá cả hai loại dầu giảm 3%, xuống mức thấp nhất 2 tuần. Cả tuần này, giá dầu Brent giảm 7,9% và giá dầu WTI sụt 6,7%.
Một biểu đồ hàng tuần cho thấy giá dầu thô giao sau ở Mỹ tuần này đã vượt qua mức cao của tuần trước và rồi lại giảm, cuối cùng chốt ở mức thấp hơn mức đóng cửa của tuần trước. Theo chiến lược gia Eli Tesfeye của RJO Futures, đó là một tín hiệu xấu về triển vọng giá dầu trong ngắn hạn.
“Đó là một tín hiệu xấu, cho thấy đây là một thị trường đang yếu”, ông Tesfeye nói.