Cùng với đó, trong năm đầu tiên thực thi EVFTA, thương mại song phương đạt khoảng 54,9 tỷ USD, đến năm thứ hai đạt khoảng 61,4 tỷ USD, tức là mức tăng tới gần 12%. Tính riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt 45 tỷ USD. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu sang EU ấn tượng.
Theo khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, có 41% doanh nghiệp từng hưởng ít nhất một lợi ích từ EVFTA. Trong đó, lợi ích phổ biến nhất là ưu đãi thuế quan và hiệu ứng tích cực trong gia tăng đơn hàng, tăng doanh thu, lợi nhuận. Cũng theo VCCI, 94% doanh nghiệp đã từng nghe nói, biết đến EVFTA, cao nhất trong số tất cả các FTA đang có hiệu lực.
Nói về những con số trên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhìn nhận, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả những cơ hội từ EVFTA.
Điều này cũng là sự ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội và cả sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động.
Tuy nhiên, cũng phải đánh giá thẳng thắn, những thành tựu nói trên mới chỉ là bước đầu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận thị trường EU. Thương hiệu Việt Nam cũng chưa được biết đến nhiều tại châu Âu, doanh nghiệp hưởng lợi chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo Bộ Công thương, dư địa thị trường EU là rất lớn. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1% kim ngạch nhập khẩu vào EU, trong khi đang sở hữu nhiều sản phẩm thế mạnh rất có tiềm năng được thị trường EU ưa chuộng, ví dụ như các loại hoa quả nhiệt đới, các loại thủy sản…
Lấy ví dụ về mặt hàng rau củ quả, ông Ngô Chung Khánh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại, Bộ Công thương, cho biết, mức thuế suất có thể lên đến cao nhất là 20%, tuy nhiên nhờ có EVFTA nên phần lớn thuế suất đã về 0%. Tuy nhiên, rau củ quả của Việt Nam xuất khẩu sang EU chỉ mới chiếm khoảng 2,7% thị phần. Tương tự, thủy sản cũng được giảm thuế rất nhiều nhưng chỉ chiếm hơn 4% thị phần.
Xuất khẩu gạo sang EU tăng nhanh kể từ khi thực thi EVFTA, tuy nhiên mới chỉ được khoảng 30% hạn ngạch ưu đãi thuế quan. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc kinh doanh xuất khẩu Tập đoàn Lộc Trời, nhìn nhận, còn nhiều tiềm năng để Lộc Trời cũng như các doanh nghiệp khác đưa gạo Việt Nam vào EU.
Dưới góc độ doanh nghiệp xuất khẩu sang EU, ông Hiếu nhận xét, vấn đề cần đặc biệt lưu tâm là chất lượng, cụ thể đổi với nhóm hàng nông sản là phải kiểm soát chặt chẽ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, ngay từ khâu sản xuất sản phẩm đã phải đảm bảo những yếu tố liên quan đến tính bền vững, bao gồm quyền lợi cho người lao động, không tác động tiêu cực đến môi trường hay cộng đồng bản địa. Đây là những yêu cầu bắt buộc được đưa ra trong một FTA thế hệ mới như EVFTA.
Gần đây, Ủy ban châu Âu đã công bố cơ chế đánh thuế carbon xuyên biên giới (CBAM), nhằm đánh thuế vào những sản phẩm, dịch vụ chưa phải chịu mức thuế carbon hoặc chịu thuế carbon thấp hơn so với quy định của EU. Đây cũng là lưu ý quan trọng để doanh nghiệp tận dụng EVFTA trong thời gian tới.