Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức dưới 29.000 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020. Chỉ số chốt phiên với mức giảm 500,1 điểm, tương đương giảm 1,71%, còn 28.725,51 điểm.
Chỉ số Nasdaq giảm 1,51%, còn 10.575,62 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,51%, chốt ở 3.585,62 điểm, ghi nhận tháng giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.
Phiên này là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 và của quý 3. Tính cả tháng 9, Dow Jones tụt 8,8%; S&P 500 trượt 9,3%; và Nasdaq “bốc hơi” 10,5%.
“Đây là một môi trường rất khó khăn đối với cả cổ phiếu và trái phiếu, nhưng nằm trong dự liệu từ trước của chúng tôi vì chúng tôi tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian lâu hơn. Giờ đây, thị trường đang nhận ra điều này”, trưởng quản lý danh mục Zachary Hill của công ty đầu tư Horizon Investments nhận định.
“Trong ngắn hạn, thị trường có thể tiếp tục biến động theo khuynh hướng giảm, khi bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3”, ông Hill nói.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed chú trọng - công bố ngày thứ Sáu cho thấy mức tăng mạnh hơn dự báo, bất chấp nỗ lực chống lạm phát của Fed. PCE lõi, không bao gồm giá năng lượng và lương thực-thực phầm tăng 0,6% trong tháng 8 so với tháng 7, sau khi đi ngang trong tháng 7, so với dự báo tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, PCE lõi tăng 4,9%, so với dự báo tăng 4,7%, so với mức tăng 4,7% của tháng trước.
PCE toàn phần, tính cả giá năng lượng và lương thực-thực phẩm tăng 0,3% trong tháng 8 so với tháng 7, sau khi giảm 0,1% trong tháng 7.
Cùng ngày thứ Sáu, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard nhấn mạnh sự cần thiết phải kéo lạm phát xuống, nói rằng ngân hàng trung ương này “cam kết tránh quay đầu quá sớm” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.
Cổ phiếu hãng thời trang thể thao Nike giảm chóng mặt trong phiên này, sau khi hãng công bố doanh thu tăng những lợi nhuận giảm do vấn đề trong chuỗi cung ứng và hàng tồn kho. Cổ phiếu Nike đóng cửa với mức giảm 12,8%.
Quý vừa qua đánh dấu chuỗi quý giảm đầu tiên kể từ năm 2009 của S&P 500 và Nasdaq, với mức giảm tương ứng của hai chỉ số là 5,3% và 4,1%. Dow Jones giảm 6,7% trong quý, đánh dấu chuỗi 3 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2015.
Tuần này cũng là một tuần thiệt hại lớn của cả ba chỉ số, với S&P 500 giảm 2,9%; Dow Jones sụt 2,9%; và Nasdaq mất 2,7%.
Giá dầu thô Brent giao tháng 11 tại thị trường London giảm 0,53 USD/thùng, tương đương giảm 0,6%, chốt ở 87,96 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,74 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 79,49 USD/thùng.
Giá cả hai loại dầu đều có lúc tăng hơn 1% trong phiên giao dịch, nhưng sau đó giảm do có tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tăng sản lượng thực tế trong tháng 9 lên mức cao nhất kể từ năm 2020, theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
“Chắc chắn là có một số hoạt động chốt lời sau những phiên tăng trong tuần này. Ngưỡng 80 USD/thùng đang là mục tiêu của thời gian này”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 2% và giá dầu WTI tăng 1%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên kể từ tháng 8. Trong tuần này, có lúc giá hai loại dầu rớt xuống mức thấp nhất 9 tháng do áp lực từ đồng USD mạnh, lãi suất tăng, và nỗi lo suy thoái trên toàn cầu.
“Sự biến động mạnh mẽ của giá dầu đã trở thành điều bình thường, vì thị trường đang bị chi phối bởi các mối lo về kinh tế toàn cầu và triển vọng nguồn cung dầu thắt chặt”, chuyên gia Stephen Brennock của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nhận định.
Giá dầu đang được hỗ trợ bởi khả năng OPEC và đồng minh, tức nhóm OPEC+, cắt giảm sản lượng khai thác dầu từ 0,5-1 triệu thùng/ngày tại cuộc họp sản lượng diễn ra vào ngày 5/10.
“Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu yếu đi sẽ không cho phép giá dầu hồi phục chừng nào các nhà giao dịch năng lượng còn chưa lạc quan rằng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận xét.
Giới phân tích kỳ vọng OPEC+ giảm sản lượng vì nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể suy yếu vì kinh tế giảm tốc và lãi suất tăng lên. Trong quý 3 này, giá dầu Brent và WTI giảm tương ứng 23% và 25%.