Chỉ số Dow Jones tăng nhẹ trên phố Wall trong phiên thứ Sáu (8/4) nhờ cổ phiếu ngân hàng, trong khi S&P 500 và Nasdaq suy yếu bởi chịu tác động từ nhóm cổ phiếu công nghệ.
Phiên này, lợi tức trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong ba năm tại 2,73%, giúp thúc đẩy chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 tăng 1,18%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng vào thứ Năm.
Các ngân hàng nhạy cảm với lãi suất lớn đều tăng, với JPMorgan Chase & Co tăng 1,8%, Bank of America Corp 0,7%, Citigroup Inc 1,7% và Goldman Sachs Group 2,3%.
Trong khi đó, giới đầu tư bán ồ ạt cổ phiếu công nghệ, bởi dự báo lãi suất cao hơn sẽ hạn chế tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, với cổ phiếu Nvidia và Micron lần lượt giảm 4,5% và 1,4%, còn cổ phiếu của Apple, Amazon, Tesla và Alphabet đã giảm từ 1,7% đến 4,5%.
Kể từ khi đạt mức cao nhất trong hai tháng vào cuối tháng 3, thị trường đã có xu hướng giảm khi Fed báo hiệu rằng họ sẽ mạnh tay tăng lãi suất, khiến các nhà đầu tư phải định vị lại danh mục đầu tư của họ.
Nhà phân tích Erika Najarian tại ngân hàng UBS cho biết: Các nhà đầu tư cũng đang cân nhắc xác suất của một cuộc suy thoái với hai kết quả. Một mặt, Fed có thể tạo ra một cú “hạ cánh mềm” với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại nhưng tích cực. Hoặc một đợt suy thoái mạnh sắp xảy ra, điều này có thể khiến cổ phiếu ngân hàng giật cục vì “sở hữu các ngân hàng trong thời kỳ suy thoái không có gì vui".
Trong tuần, S&P 500 giảm 1,16%, Dow Jones mất 0,28% và Nasdaq giảm 3,86%.
Kết thúc phiên 8/4, chỉ số Dow Jones tăng 137,55 điểm (+0,40%), lên 34.721,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,93điểm (-0,27%), xuống 4.488,28 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 186,30 điểm (+1,34%), lên 13.711,00 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng, trong khi các nhà đầu tư thận trọng theo dõi cuộc đua giữa đối thủ cực hữu Marine Le Pen và đương kim Emmanuel Macron trong cuộc chạy đua tới vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,3% lên 460,97 điểm và tăng khoảng 0,5% trong tuần.
Phiên cuối tuần, nhóm cổ phiếu tài chính và cổ phiếu hàng hóa dẫn đầu mức tăng, với Banco BPM tăng 10,2%, sau khi ngân hàng Pháp Credit Agricole cho biết họ đã mua 9,2% cổ phần của ngân hàng lớn thứ ba của Ý này.
“Các nhà đầu tư đã bỏ qua những tiêu đề tiêu cực về các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga, cũng như cuộc bàn tán về lãi suất cao hơn từ Fed. "Nhưng nhìn chung, đây vẫn là một tuần tiêu cực đối với chứng khoán khi các nước tiết lộ kế hoạch nhắm mục tiêu vào xuất khẩu năng lượng của Nga”, David Madden, nhà phân tích thị trường tại Equiti Capital cho biết.
Liên minh châu Âu đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ năm chống lại Nga vào thứ Sáu, bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu than, gỗ, hóa chất và các sản phẩm khác
Trong vòng bầu cử đầu tiên vào ngày Chủ nhật ở Pháp, ông Macron được cho là đã giành chiến thắng, nhưng đối thủ Marine Le Pen đã tăng vọt tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò trong những tuần gần đây. Hai ứng cử viên hàng đầu dự kiến sẽ đối đầu trực tiếp vào vòng bỏ phiếu tiếp theo trong ngày 24/4.
Chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,3%, nhưng giảm khoảng 2% trong tuần này, mức cao nhất trong số các nước lớn châu Âu do sự không chắc chắn về cuộc bầu cử.
Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 117,75 điểm (+1,56%), lên 7.669,56 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 205,52 điểm (+1,46%), lên 14.283,67 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 86,54 điểm (+1,34%), lên 6.548,22 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích lên, nhưng khép lại tuần tệ nhất trong gần một tháng khi để mất 2,46%, do những lo lắng về tác động của việc thắt chặt chính sách của Fed, cuộc xung đột ở Ukraine và phong tỏa nhiều nơi tại Trung Quốc.
Chứng khoán Trung Quốc nhích lên, được thúc đẩy bởi kỳ vọng về các biện pháp nới lỏng chính sách hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại do ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất của nước này trong hai năm.
Chứng khoán Hồng Kông nhích nhẹ, nhưng tâm lý thị trường vẫn rất mong manh khi lo ngại gia tăng về quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng.
Chứng khoán Hàn Quốc có phiên hồi phục, nhưng ghi nhận tuần giảm hơn 1,4%, do dự báo về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Fed và cuộc khủng hoảng Ukraine đè nặng lên thị trường.
Kết thúc phiên 8/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 97,23 điểm (+0,36%), lên 26.985,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 15,16 điểm (+0,47%), lên 3.251,85 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 63,03 điểm (+0,29%), lên 21.872,01 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 4,53 điểm (+0,17%), lên 2.700,39 điểm.
Giá vàng thế giới ngày thứ Sáu tăng khá mạnh khi nỗi lo lạm phát lại giúp dòng tiền chảy vào vàng để tìm kiếm trú ẩn, do dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm của Mỹ sẽ ở mức 6,6% và tiếp tục đẩy lạm phát tại quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng cao.
Kết thúc phiên 8/4, giá vàng giao ngay tăng 15,5 USD lên 1.946,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng hơn 12 lên 1.950,4 USD/ounce.
Giá dầu tăng trở lại khi một số nhà phân tích hoài nghi liệu nguồn cung từ các đợt giải phóng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp từ Mỹ và nhiều quốc gia khác có bù đắp được cho nguồn cung từ Nga hay không.
Kết thúc phiên 8/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 2,23 USD (+2,27%), lên 98,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,20 USD (+2,14%), lên 102,78 USD/thùng.