Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng lãi suất huy động (lãi suất tiền gửi tiết kiệm). Điều này khiến người gửi tiền vui, ngược lại những người vay vốn để sản xuất, kinh doanh lại lo chi phí vốn tăng giữa bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Lãi suất tiền gửi dự báo sẽ còn tăng
Chỉ tính từ đầu tháng 12 đến nay, GPBank đã có tới hai lần tăng lãi suất huy động. Tính chung cả hai đợt điều chỉnh, lãi suất ở nhiều kỳ hạn tại nhà băng này tăng thêm tới 0,8%/năm so với cuối tháng 11.
Chẳng hạn, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng tại ngân hàng này hiện ở mức 6,8%/năm, trong khi trước đó chỉ có 6%/năm. Các kỳ hạn ngắn cũng tăng mạnh, như kỳ hạn sáu tháng lên 6,5%/năm và kỳ hạn chín tháng lên 6,6%/năm.
Bên cạnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm, một số ngân hàng còn tặng thêm lãi suất khi người dân gửi tiền tiết kiệm online hoặc áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm online cao hơn so với tiết kiệm thông thường. Chẳng hạn, tại ABBank, người gửi tiền được cộng thêm lãi suất 0,4% khi gửi tiết kiệm online.
Tương tự, tại VPBank, lãi suất gửi tiết kiệm theo phương thức online ở một số kỳ hạn tăng mạnh 0,2%-0,8%/năm. Ví dụ, đối với kỳ hạn một tháng, khi khách hàng gửi theo phương thức online với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất lên tới 4%/năm, tức cao hơn tới 0,8%/năm so với biểu lãi suất công bố trước đó.
Lý giải về lãi suất huy động tăng trở lại, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng nguyên nhân do các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm về thanh toán cuối năm. Điều này phần nào khiến thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tạm thời căng thẳng, không còn dôi dư nhiều như trước. Hơn nữa, áp lực lạm phát trong năm 2022 cao hơn và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán… cũng là nguyên nhân khiến lãi suất tiết kiệm ngân hàng tăng trở lại.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dừng bơm tiền đồng thông qua cả hai kênh thị trường mở và mua ngoại tệ giao ngay từ đầu tháng 12. Động thái này khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,05-0,06 điểm % so với cuối tháng 11. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng tích cực cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng cần tiền hơn nên tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách hàng.
Thống kê của NHNN cho thấy từ những ngày đầu tháng 12 đến nay, lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng thương mại quy mô vừa và nhỏ có xu hướng tăng mạnh. Hiện mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trên thị trường dao động 7,15%-8%/năm. Còn theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi sẽ tăng 0,3%-0,5% trong năm 2022.
Ngành ngân hàng cam kết cung cấp đủ vốn cho các doanh nghiệp mùa cuối năm. Ảnh: TL
Chưa tăng lãi suất cho vay
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN từ nay tới cuối năm là tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện tại. Về chủ trương cấp bù lãi suất để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, quan điểm của NHNN thì đây là giải pháp rất có ý nghĩa, cần thiết và quan trọng.
Chính sách điều hành của NHNN là tiếp tục góp phần tạo điều kiện thúc đẩy, khôi phục nền kinh tế nhanh nhất, hiệu quả nhất. Không để cho các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, phá sản mà phải hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông ĐÀO MINH TÚ, Phó Thống đốc NHNN
>
Mong lãi suất cho vay đừng tăng
Trước việc lãi suất huy động có xu hướng tăng mạnh, nhiều ý kiến lo ngại lãi suất cho vay có thể tăng theo. Khi đó, các nhà sản xuất, kinh doanh sẽ gặp khó khăn do chi phí vốn đội lên. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, lãi suất cho vay vẫn còn “ngủ yên”.
Bà Phạm Thị Huân (Ba Huân), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, cho biết ở thời điểm hiện nay, công ty chưa thấy các ngân hàng thông báo sẽ tăng lãi suất cho vay. “Chỉ mong các ngân hàng giữ mức lãi suất cho vay như hiện tại đã là may mắn cho doanh nghiệp rồi” - bà Ba Huân bày tỏ.
Tương tự, ông Đinh Minh Tâm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May, cho biết: Hiện công ty đang có khoản vay vài trăm tỉ tại các ngân hàng với mức lãi suất 6% một năm với khoản vay ngắn hạn. Nhìn chung, trong vài năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn thường dao động quanh mức 6%-6,5%/năm.
“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, để giữ được thị phần và doanh thu không bị giảm sút là điều vô cùng khó. Chính nhờ lãi suất cho vay ở mức tương đối phù hợp nên dù chi phí nguyên liệu, vận chuyển, phòng chống dịch… tăng chóng mặt song hàng hóa xuất khẩu của chúng tôi vẫn duy trì được thị phần ổn định và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Chúng tôi mong muốn lãi suất cho vay không tăng trong thời gian tới” - ông Tâm chia sẻ.
Đại diện một số ngân hàng cam kết sẽ không tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, cho hay mới đây, đơn vị này cũng nằm trong số các ngân hàng được NHNN nới room tín dụng. Qua đó giúp ngân hàng có điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
“Riêng về lãi suất cho vay, chúng tôi vẫn giữ nguyên, không thay đổi so với giai đoạn dịch bệnh. Đặc biệt với những công ty vẫn còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì chúng tôi duy trì chính sách hỗ trợ như giãn nợ, miễn giảm lãi. Tôi dự báo mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không chỉ giữ nguyên trong quý IV năm nay mà còn kéo dài sang quý I-2022” - ông Tùng nhận định.
Nới tín dụng để hỗ trợ ngân hàng
Mới đây, NHNN đã chính thức nới room tín dụng cho 11 ngân hàng thương mại trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động lại và nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vay vốn tăng mạnh hơn. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế sau khi nới lỏng giãn cách.
Ngay sau khi được NHNN nới room, nhiều ngân hàng đã nhanh chóng đẩy mạnh cho vay. Ví dụ, PVcomBank dành gói tín dụng 9.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 5%/năm cho nhóm khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Tương tự, từ nay đến ngày 28-2-2022, Nam A Bank giảm lãi suất cho vay về mức 5,99%/năm đối với khoản vay hiện hữu của khách hàng cá nhân đang vay phục vụ nhu cầu đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Sacombank, ACB cũng dành những gói vay có quy mô 10.000-20.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 4,5%-6,5% cho các doanh nghiệp.