Nguy cơ mất tiền thật khi 'ôm' cổ phiếu của doanh nghiệp tăng vốn 'ảo'

31/08/2022 12:19

Thực chất việc tăng vốn của doanh nghiệp là để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư lớn. Tuy nhiên, những vụ việc được phơi bày trong thời gian qua cho thấy, nhiều cá nhân dùng chiêu trò lách luật, tăng vốn “ảo” nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Điều này đặt ra dấu hỏi về chất lượng của không ít doanh nghiệp trên sàn ở thời điểm hiện tại cũng như bất cập trong khâu quản lý doanh nghiệp niêm yết.

Nhà đầu tư vẫn có nguy cơ ôm... “giấy lộn”

Tuy nhiên, đến hiện tại chưa thấy thông tin Xây dựng FLC Faros công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, báo cáo thường niên 2021, báo cáo tài chính quý I và II/2022. Đồng thời, công ty này còn chưa tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, chưa có đủ số lượng thành viên HĐQT tối thiểu, chưa có người đại diện theo pháp luật.

Điều này đồng nghĩa với việc, cổ phiếu ROS đang đứng trước nguy cơ vĩnh viễn không được giao dịch trở lại, kể cả trên sàn UPCoM và nhà đầu tư có thể mất trắng khi ôm một đống "giấy lộn".

Mặc dù nhiều người vẫn nuôi hy vọng FLC Faros tái cấu trúc khi có chủ mới vào kỳ họp Đại hội cổ đông bất thường theo kế hoạch diễn ra vào ngày 15/9 tới, song câu chuyện doanh nghiệp này được tăng vốn "ảo" đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây cho thấy “phép màu” khó có thể xảy ra.

-5388-1661851552.jpg

Những vụ việc tăng vốn "ảo" đang đặt ra dấu hỏi về chất lượng của không ít doanh nghiệp trên sàn ở thời điểm hiện tại cũng như bất cập trong khâu quản lý doanh nghiệp niêm yết (Ảnh: Int)

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, nhiều nhà đầu tư vẫn hy vọng FLC Faros sẽ được tái cấu trúc khi có chủ mới, nhưng điều này rất khó. Bởi đây là một doanh nghiệp "ảo", tài sản thực không có nên gần như không có lối thoát cho nhà đầu tư lỡ "ôm" cổ phiếu của doanh nghiệp này.

Đáng chú ý, trước những lưu ý của kiểm toán về các bất cập trong hành trình tăng vốn, nhưng đến nửa cuối quý III/2016, cổ phiếu ROS vẫn vượt qua nhiều quy định khắt khe để chính thức niêm yết trên sàn HoSE, rồi sau đó lọt vào rổ VN30, thậm chí có thời điểm còn là cổ phiếu gây ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung.

Được biết, hơn 10 năm qua, dưới "bàn tay" của Trịnh Văn Quyết, ngoài FLC Faros, nhóm doanh nghiệp thuộc “họ FLC” cũng có những đợt tăng vốn với tổng tài sản rất mạnh và bất thường.

Chẳng hạn, quy mô vốn của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes được “hô biến” lên tới 4.100 tỷ đồng và tổng tài sản là 9.100 tỷ đồng; CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD) tăng vốn từ 9,9 tỷ đồng lên 1.635 tỷ đồng và giá trị tổng tài sản lên tới 2.410 tỷ đồng.

Hay như công ty mẹ FLC từ số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng (năm 2008) đến nay đã tăng lên hơn 7.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng năm 2010, FLC có 3 lần thực hiện tăng vốn từ 18 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng được báo cáo nộp đủ, nhưng sau đó rút tiền ra thông qua bút toán (ghi nhận sổ sách) cho vay.

Đồng thời, thành lập các công ty con bằng cách bút toán đầu tư tài chính và số tiền cũng được rút ra ngay sau đó và các công ty con đều được tăng vốn lên hàng nghìn tỷ đồng thông qua các bút toán cho vay, đầu tư, góp vốn, tạm ứng tiền, ký quỹ, đặt cọc...

Vấn đề nằm ở đâu?

Thực tế, không riêng gì vụ việc FLC Faros, 3 năm trước đã có trường hợp tương tự xảy ra với CTCP Xuất nhập khẩu Mỏ và khoáng sản miền Trung (MTM) khi lãnh đạo công ty đã chỉ đạo một số cá nhân làm giả hồ sơ tăng vốn để đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Cùng thời gian, cựu chủ tịch CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA) cũng đã bị truy tố vì tội tăng vốn "ảo". Cụ thể, góp 560 tỷ đồng tăng vốn nhưng rút tiền ra đúng số đó qua tạm ứng, trả trước cho “sân sau” và cho vay cổ đông.

Hay như đầu năm nay, cơ quan điều tra thông tin đã xác định Nguyễn Văn Nam, nguyên Giám đốc CTCP ASA (ASA) đã có hành vi làm giả hồ sơ, tài liệu để tăng khống niêm yết 7 triệu cổ phiếu ASA, tương đương 70 tỷ đồng để bán và thu tiền bất chính.

Có thể thấy, những vụ việc nêu trên có thể qua mặt cơ quan quản lý một cách dễ dàng, làm dấy lên hoài nghi về vấn đề ở khâu giám sát của các cơ quan quản lý về việc để cho “hàng giả” nghiễm nhiên được giao dịch trong thời gian dài.

Đồng nghĩa với việc đang có những lỗ hổng, bất cập trong quy định pháp luật dẫn đến khâu quản lý, kiểm soát dòng vốn đăng ký của doanh nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu còn bao nhiêu doanh nghiệp niêm yết rầm rộ tăng vốn "ảo" mà chưa được phơi bày? Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư khi họ chính là người phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất? Và như vậy, chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn hiện nay cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, bản thân ông cũng như Hiệp hội thời gian qua đã gửi nhiều kiến nghị đến các cơ quan quản lý liên quan việc kiểm tra, kiểm soát những cổ phiếu "rác", bao gồm cả nhóm cổ phiếu “họ FLC” trên sàn chứng khoán nhưng không được để ý.

Vậy lý do của việc “phớt lờ” này là gì, trong khi thời gian qua nhiều cổ phiếu “rác” vẫn gây “sóng gió” cho thị trường với hàng chục phiên trần - sàn liên tiếp, bất chấp những cảnh báo về “sức khỏe” doanh nghiệp?

Theo ý kiến của một chuyên gia pháp lý trong ngành tài chính, bất cứ một hành vi nào không trong khuôn khổ pháp luật, khi che giấu nó sẽ luôn để lại dấu vết. Dù áp dụng chiêu trò gì thì vẫn còn nhiều bên, nhiều cá nhân liên quan đến đợt tăng vốn. Nếu các bên liên quan sẵn lòng từ chối tham gia những giao dịch đáng ngờ thì những đợt tăng vốn “ảo” khó thành công.

“Nếu cơ quan quản lý ngay từ đầu để tâm, mạnh tay xử lý thì chắc chắn sẽ không để xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua, nhà đầu tư cũng không phải rơi vào cảnh đứng ngồi không yên như hiện nay", chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển nói.

Một số ý kiến cho rằng, trước mắt nên có một cuộc kiểm tra toàn diện sâu rộng về "sức khỏe" của các doanh nghiệp hiện nay, nhằm thanh lọc lại cũng như ngăn chặn kịp thời những vụ việc gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán cũng như các nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần phải có quy định và ràng buộc rõ trách nhiệm ban kiểm soát để chấn chỉnh việc này. Việc minh bạch thông tin của doanh nghiệp không chỉ tạo niềm tin cho nhà đầu tư chứng khoán trong nước mà còn thu hút, tạo sự an tâm cho các tổ chức quốc tế.

Mặc khác, chính nhà đầu tư cũng cần nâng cao hiểu biết pháp luật, đầu tư kinh doanh, tránh đầu tư theo đám đông để tự bảo vệ tài sản của mình.

Bạn đang đọc bài viết "Nguy cơ mất tiền thật khi 'ôm' cổ phiếu của doanh nghiệp tăng vốn 'ảo'" tại chuyên mục Chứng khoán. Mọi bài vở cộng tác xin liên hệ hotline (0909415194) hoặc gửi về địa chỉ email (bbt@vietnamindex.vn).