Cuối ngày 27/9, các ủy ban bầu cử ở 4 tỉnh Lugansk, Donetsk tại miền Đông và Kherson, Zaporizhzhia tại miền Nam Ukraine đã đồng loạt công bố kết quả kiểm phiếu ngay sau khi hoàn tất các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga.
Truyền thông Nga dẫn thông báo của các ủy ban bầu cử cho biết, tỷ lệ cử tri ủng hộ kế hoạch sáp nhập vào Nga ở Lugansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia lần lượt là 98,4%, 99,2%, 87% và 93,1%. Đây đều là những tỷ lệ ủng hộ rất cao và là cơ sở ban đầu cho quá trình sáp nhập vào Nga của 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine.
"Các cuộc trưng cầu dân ý đã kết thúc. Kết quả đã rõ ràng. Chào mừng các bạn trở về nhà, đến với nước Nga!", ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, viết trên Telegram.
Quy trình sáp nhập sau trưng cầu dân ý
Ông Denis Pushilin, người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, nói rằng các bước tiếp theo sau trưng cầu dân ý sẽ là ký một thỏa thuận sáp nhập và cơ quan lập pháp của Nga sẽ xem xét phê chuẩn thỏa thuận này.
Quá trình hợp nhất các khu vực mới vào Liên bang Nga có thể mất một khoảng thời gian vì cần sự chấp thuận của quốc hội và tổng thống Nga. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tin rằng quá trình này sẽ diễn ra nhanh chóng.
Hiến pháp và luật liên bang Nga về việc sáp nhập các thành viên mới quy định một số bước cần thiết. Nghị sĩ Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga, cho biết sau khi các khu vực tuyên bố sẵn sàng trở thành một phần của Liên bang Nga, họ sẽ đệ trình đơn đề xuất sáp nhập cho chính quyền Nga. Tổng thống Nga sẽ thông báo cho quốc hội và chính phủ Nga về vấn đề này.
Nếu đạt được thỏa thuận chính trị về việc sáp nhập, các dự thảo hiệp ước quốc tế về việc sáp nhập vào Nga sẽ được thiết lập. Các hiệp ước này sẽ quy định cụ thể các vấn đề như tên và tình trạng của các vùng lãnh thổ mới, quyền công dân, chức năng của các cơ quan công quyền và luật pháp áp dụng.
Sau khi các hiệp ước được ký kết, Tòa án Hiến pháp Nga sẽ xem xét các hiệp ước có phù hợp với luật pháp Nga hay không. Nếu các hiệp ước được xác nhận phù hợp và không có bất kỳ vi phạm nào, bước tiếp theo sẽ là phê chuẩn ở Duma Quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện).
Đồng thời, một dự thảo luật về việc công nhận các vùng lãnh thổ mới sáp nhập vào Nga sẽ được đệ trình lên Duma Quốc gia. Nếu được Duma Quốc gia phê duyệt, văn bản này sẽ được chuyển đến Hội đồng Liên bang xem xét.
Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ chính thức tuyên bố việc các khu vực ở Ukraine sáp nhập vào Nga trong bài phát biểu vào ngày 30/9. Đây có thể là bài phát biểu của nhà lãnh đạo Nga tại Điện Kremlin trước các thành viên của Hạ viện hoặc Thượng viện hoặc lưỡng viện Nga.
Năm 2014, Tổng thống Putin đã ký hiệp ước sáp nhập Crimea vào Nga chỉ hai ngày sau khi bán đảo này tổ chức trưng cầu dân ý. Lễ ký hiệp ước sáp nhập thậm chí diễn ra trước khi dự thảo hiệp ước được trình lên quốc hội.
Sau khi 4 vùng lãnh thổ hoàn tất việc sáp nhập, Nga sẽ chính thức kiểm soát 15% lãnh thổ Ukraine. Kiev và các nước phương Tây cho đến nay vẫn tuyên bố không công nhận kết quả trưng cầu dân ý ở Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia. Nhiều quốc gia cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt với Nga sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố.
Nguy cơ xung đột leo thang
CNN dẫn lời các nhà phân tích phương Tây nhận định, xét về luật pháp quốc tế, các cuộc bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga sẽ không ý nghĩa vì cộng đồng quốc tế sẽ nhanh chóng bác bỏ kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý này.
Tuy nhiên, trong nội bộ nước Nga, Tổng thống Putin có thể tuyên bố rằng, ý chí của người dân Ukraine tại những khu vực bỏ phiếu là muốn sáp nhập vào Nga. Đây là cơ sở để ông Putin có thể tuyên bố những vùng lãnh thổ này thuộc về Nga.
Những ngày gần đây, Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết Nga đã quyết định trước điều gì sẽ xảy ra sau khi các cuộc trưng cầu dân ý kết thúc, đồng thời nêu rõ rằng "vào cuối tháng, ý định của Nga sẽ là chính thức hóa việc sáp nhập 4 khu vực vào Liên bang Nga".
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Nga sẽ tìm cách leo thang xung đột ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Từ đầu tháng 9, một chiến dịch phản công thành công của các lực lượng Ukraine đã đẩy lùi quân đội Nga ở phía đông bắc Ukraine. Các quan chức phương Tây nhận định Nga có thể sẽ tìm cách tuyên bố rằng, cuộc phản công ở đông bắc Ukraine cũng như bất kỳ cuộc phản công nào khác do lực lượng Ukraine tiến hành sẽ được xem là một cuộc tấn công vào vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nga.
Giới chức Nga gần đây liên tục tuyên bố Moscow có quyền bảo vệ các vùng sáp nhập bằng bất cứ biện pháp và vũ khí nào sẵn có trong kho, kể cả vũ khí hạt nhân. Khi được hỏi liệu Nga có khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ các khu vực sáp nhập hay không, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định, toàn bộ lãnh thổ Nga, bao gồm những vùng lãnh thổ "được xác định theo hiến pháp của Nga trong tương lai", chắc chắn nằm dưới "sự bảo vệ hoàn toàn" của Nga.
Tuần trước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các vùng lãnh thổ sáp nhập đều bị coi là tấn công lãnh thổ Nga và buộc Moscow đáp trả. Ông cho biết thêm, ngay sau khi các vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga, hiến pháp Nga ngay lập tức có hiệu lực tại đây.
Khi công bố lệnh động viên một phần trong bài phát biểu vào tuần trước, Tổng thống Putin thậm chí ngụ ý có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu "toàn vẹn lãnh thổ của Nga bị đe dọa". Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây "tống tiền hạt nhân" Nga, đồng thời cảnh báo Nga có nhiều vũ khí để đáp trả mối đe dọa từ phương Tây. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Putin có thể đang tìm cách "đánh vào nỗi lo ngại của phương Tây".
"Ông Putin đang cố gắng đưa ra quan điểm rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Ông Putin muốn đảm bảo rằng Mỹ và NATO sẽ không gửi thêm vũ khí đến Ukraine và cuộc phản công của Ukraine sẽ kết thúc", John Herbst, giám đốc cấp cao của Trung tâm Á - Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói với CNBC.
Phương Tây cho rằng, sau 7 tháng đưa quân vào Ukraine, Nga đang gặp bất lợi trên chiến trường và phải đối mặt với không ít tổn thất. Trong khi đó, Bộ Nội vụ Nga cho biết một số người đã cố ý tổ chức các cuộc biểu tình trái phép nhằm phản đối lệnh động viên, mặc dù hoạt động này chỉ lôi kéo một số lượng rất ít người tham gia. Tình hình này buộc Nga phải tìm cách thay đổi cán cân để giành lại ưu thế trong chiến dịch quân sự và các cuộc trưng cầu dân ý có thể là cách để Moscow đạt được mục tiêu này.
Tính toán của Nga
Các quan chức Ukraine cho rằng, Nga có thể sử dụng các cuộc trưng cầu dân ý để làm cơ sở cho việc huy động người Ukraine vào lực lượng quân sự Nga. "Mục đích chính của các cuộc trưng cầu dân ý là để huy động người dân của chúng tôi", Ivan Fedorov, cựu thị trưởng thành phố Melitopol của Ukraine, cho biết.
Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine tuần trước cho hay: "Sau cuộc trưng cầu dân ý, đối phương sẽ tuyên bố huy động quân ở các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát vì họ cần nhân lực".
Giới chức Ukraine cho biết, các chính quyền thân Nga ở các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, cùng với Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), đang lập danh sách hàng nghìn người sẽ được huy động ở Zaporizhzhia và Kherson. Tại vùng Lugansk, nơi gần như nằm dưới sự kiểm soát của Nga và các lực lượng do Nga hậu thuẫn, các quan chức Ukraine cho biết Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng đã thực thi lệnh tập trung nghĩa vụ quân sự rộng rãi.
Natalia Savelyeva, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu, cho biết kế hoạch "trưng cầu dân ý" được công bố trong tuần này dường như đánh dấu một "giai đoạn mới của cuộc chiến" tại Ukraine.
"Các cuộc trưng cầu dân ý là những dấu hiệu cho thấy Nga đang không cảm thấy thực sự thoải mái", chuyên gia Savelyeva nhận định.
Theo Washington Post, quyền kiểm soát quân sự của Nga tại các khu vực mà nước này kiểm soát ở Ukraine đang bị lung lay và các cuộc trưng cầu dân ý được coi là "công cụ chính trị" để đạt được mục tiêu quân sự là đảm bảo quyền kiểm soát của Moscow.
Một số nhà phân tích dự đoán, các cuộc trưng cầu dân ý là tín hiệu cho thấy Nga sẵn sàng cho kịch bản leo thang xung đột ở Ukraine.
Tatiana Stanovaya, nhà phân tích của tổ chức tư vấn chính trị R.Politik, cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý là "động thái chuẩn bị cho một cuộc chiến toàn diện" và là "tối hậu thư rõ ràng do Nga gửi tới Ukraine và phương Tây: hoặc Ukraine rút lui hoặc chiến tranh hạt nhân sẽ nổ ra".
Nhà phân tích Nga Alexander Baunov cho biết, việc các vùng lãnh thổ tại Ukraine tổ chức trưng cầu dân ý sáp nhập vào Nga và trở thành một phần của Nga không thể ngăn đà tiến công của quân đội Ukraine. Tuy nhiên, động thái này sẽ gửi thông điệp cảnh báo phương Tây về ý định sử dụng vũ khí để tấn công các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập.
Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc trưng cầu dân ý khó có khả năng làm suy yếu mục tiêu quân sự của Ukraine. Dara Massicot, nhà nghiên cứu chính sách cấp cao của tổ chức Rand Corp, nhận định các cuộc trưng cầu dân ý tại vùng lãnh thổ ly khai có thể trở thành "động lực mạnh mẽ để Ukraine tiếp tục các cuộc tấn công vào các vùng lãnh thổ này". "Quân đội Nga đang ở thời điểm yếu nhất", chuyên gia Massicot nói.
Federica Reccia, nhà phân tích về Nga tại tổ chức Economist Intelligence Unit, lưu ý rằng "Nga đang chạy đua để củng cố các vị trí của họ ở Ukraine và sáp nhập các khu vực đông nam Ukraine càng nhanh càng tốt".
"Việc sáp nhập sẽ tạo cho Nga lý do để tái định hình các khu vực này là lãnh thổ Nga, giúp Nga có cơ sở để trả đũa bằng vũ lực đối với bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào các vùng lãnh thổ đó. Việc sáp nhập các vùng lãnh thổ này sẽ mở ra một giai đoạn rất nguy hiểm trong cuộc xung đột, có khả năng làm tăng nguy cơ đưa NATO đến gần một cuộc đối đầu với Nga", chuyên gia Reccia dự báo.
Grigorii Golosov, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học châu Âu ở St.Petersburg, nói rằng các cuộc trưng cầu dân ý có thể là màn dạo đầu cho những hoạt động quân sự mạnh hơn của Nga ở Ukraine, nhằm buộc chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky và những người ủng hộ ông phải lùi bước. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, ông Golosov không loại trừ khả năng Nga muốn gây sức ép nhằm buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán và Tổng thống Putin có thể vẫn để ngỏ cánh cửa đàm phán.
"Nhiều khả năng bằng cách tiến hành các động thái như vậy, Điện Kremlin trên thực tế sẽ cho thấy rằng họ đã sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán thực sự. Nhiều chính trị gia thường leo thang căng thẳng và đưa ra các yêu cầu trước khi bước vào một cuộc đàm phán thực sự. Đây là một chiến thuật đàm phán thông thường", ông Golosov nhận định.
Theo các nhà phân tích, Nga dường như tính toán rằng các hành động leo thang quân sự và trưng cầu dân ý có thể buộc chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngồi xuống đàm phán với Điện Kremlin.
Nhà phân tích Volodymyr Fesenko, người đứng đầu Trung tâm Penta, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại Kiev, cho rằng "Điện Kremlin đang nỗ lực tìm ra các đòn bẩy để thay đổi tình hình đang vượt tầm kiểm soát của họ".
Trong tương lai gần, một trong những tác động mà Nga phải đối mặt sau các cuộc trưng cầu dân ý tại Ukraine là làn sóng trừng phạt của phương Tây. Anh, Pháp, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đều cảnh báo sẽ áp lệnh trừng phạt Nga sau khi Moscow công nhận kết quả trưng cầu dân ý.