Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE hôm 7/10/2022 - Ảnh: Reuters.
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (27/10), trong khi chỉ số Dow Jones và giá dầu cùng đi lên, trong bối cảnh nhà đầu tư nghiền ngẫm dữ liệu kinh tế khả quan và những báo cáo tài chính mới nhất từ các công ty niêm yết.
Dow Jones nhận được lực hỗ trợ từ các cổ phiếu công nghiệp, trong khi các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn gây áp lực giảm lớn lên S&P 500 và Nasdaq. Nhà đầu tư thất vọng sau khi các Big Tech công bố kết quả kinh doanh quý 3 không đạt dự báo cộng thêm dự báo ảm đạm về tình hình doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới.
“Đang có hai câu chuyện khác nhau cùng xảy ra một lúc trên thị trường”, chiến lược gia cấp cao Tim Ghriskey của Ingalls & Snyder nhận định. “Áp lực giảm đang lớn đối với các cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng cao. Mặt khác, sức mạnh đang gia tăng ở các nhóm cổ phiếu ngành khác, đặc biệt là tiêu dùng thiết yếu, năng lượng, tài chính, công nghiệp và tiện ích”.
Sau khi thị trường đã đóng cửa phiên chính thức, cổ phiếu Amazon sụt 12%, khiến giá trị vốn hóa thị trường của “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến tụt hơn 100 tỷ USD. Cú sụt diễn ra sau khi Amazon dự báo tăng trưởng doanh thu chậm lại trong mùa mua sắm cuối năm nay. Dự báo này khiến Phố Wall thất vọng và xem như một lời cảnh báo rằng lạm phát đang làm cho cho người tiêu dùng và doanh nghiệp có ít tiền hơn để chi tiêu.
Trong phiên chính thức ngày thứ Năm, cổ phiếu Meta “bốc hơi” 24,6% sau khi công ty mẹ của mạng xã hội Facebook đi theo xu hướng mà Microsoft và Alphabet dẫn đầu là công bố dự báo ảm đạm về tình hình kinh doanh trong thời gian tới.
Trái lại, hãng sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Caterpillar báo cáo lợi nhuận tốt hơn dự báo và chứng kiến cổ phiếu tăng 7,7%, trở thành trụ cột cho phiên tăng của Dow Jones.
Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng dương trở lại trong quý 3, trong khi lạm phát lõi có vẻ như đã chững lại. Nhà đầu tư nghiền ngẫm những số liệu này để tìm bằng chứng cho thấy những đợt tăng lãi suất quyết liệt của Fed từ tháng 3 đến nay đã bắt đầu có hiệu ứng kiểm soát lạm phát nhưng không khiến cho nền kinh tế sụt tốc quá nhiều. Sự hạ nhiệt vừa phải này chính là trạng thái “hạ cánh mềm” được mong đợi.
Dữ liệu từ công cụ FedWatch của sàn CME cho thấy nhà đầu tư tin chắc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 1-2/11. Tuy nhiên, khả năng Fed tăng lãi suất với bước nhảy ngắn hơn, cụ thể là 0,5 điểm phần trăm, đã lên tới mức 55%.
“Chủ đề chi phối thị trường thực sự vẫn là Fed. Fed sẽ điều khiển hướng đi của thị trường trong những tháng tới”, ông Ghriskey nói thêm.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 194,17 điểm, tương đương tăng 0,61%, đạt 32,03,28 điểm. S&P 500 giảm 0,61%, còn 3.807,3 điểm. Nasdaq tụt 1,63%, còn 10.972,68 điểm.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 ở Phố Wall đang ở giai đoạn cao điểm, với 227 công ty trong S&P 500 đến hiện tại đã công bố báo cáo. Trong số này, 74% đưa ra kết quả vượt dự báo. Tuy nhiên, giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp trong S&P 500 tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm so với mức dự báo tăng 4,5% đưa ra hồi đầu tháng.
“Nhìn chung, chúng ta đang chứng kiến lợi nhuận cao hơn dự báo một chút. Nhưng mức lợi nhuận kỳ vọng ngày càng giảm xuống”, ông Ghriskey nhận định.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,27 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 96,69 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,17 USD/thùng, tương đương tăng 1,3%, chốt ở 89,08 USD/thùng.
Phiên tăng này nối tiếp phiên tăng khá mạnh của giá dầu vào hôm thứ Tư, khi giá của cả hai loại dầu cùng tăng gần 3%. Nhà đầu tư lạc quan sau khi số liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy xuất khẩu dầu thô của Mỹ cao kỷ lục. Số liệu GDP khởi sắc của Mỹ cũng giúp củng cố sức mạnh cho giá “vàng đen” trong phiên ngày thứ Năm.
“Giá dầu tăng vì kinh tế Mỹ đã tăng trưởng dương trở lại trong quý 3”, nhà phân tích Edward Moya của Oanda nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Moya nói thêm rằng áp lực giảm đối với giá dầu vẫn còn vì rủi ro giảm tốc tăng trưởng vẫn còn.
Mối lo về kinh tế Trung Quốc khiến lực tăng của giá dầu bị hạn chế phần nào. Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới và tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới đang gặp nhiều trở ngại từ chính sách Zero Covid, khủng hoảng bất động sản, và niềm tin suy giảm của nhà đầu tư.
Giá dầu đã tăng chóng mặt vào đầu năm nay sau khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine. Giá dầu Brent có lúc lên ngưỡng 130 USD/thùng vào tháng 3, cách không xa mức kỷ lục mọi thời đại 147 USD/thùng thiết lập hồi năm 2008. Gần đây, giá dầu sụt giảm vì nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu.