Trước khi đối mặt với 2 phiên điều chỉnh giảm gần nhất (7-8/6), thị trường chứng khoán trong nước đã ghi nhận xu hướng tăng liên tục kể từ cuối tháng 4 đến nay. Trong đó có đà tăng 6 phiên liên tiếp trước khi giảm mạnh vào thứ 2 (ngày 7/6).
Trên biểu đồ giá hàng ngày, chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng tích cực kéo dài từ cuối tháng 1. Sau 2 phiên điều chỉnh đầu tuần này, VN-Index giảm từ vùng 1.375 điểm xuống 1.320 điểm (cuối ngày 8/6), tương đương mức giảm 4%.
Thực tế, trong đà tăng kéo dài 5 tháng qua, chỉ số này cũng 3 lần ghi nhận mức giảm tương tự hồi đầu tháng 2 (từ 1.126 xuống 1.080 điểm); trung tuần tháng 3 (1.200 xuống 1.140 điểm); và giai đoạn 20-27/4 (1.276 xuống 1.215 điểm).
Trong 3 lần điều chỉnh trước đó, chỉ số này đều trải qua những phiên giảm sâu liên tiếp với mức 4% trước khi phục hồi và tăng trở lại. Tính từ đáy năm nay (cuối tháng 1), chỉ số VN-Index cuối ngày 8/6 cao hơn 28%. Còn so với đầu năm, chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng 15%.
Chỉ số VN-Index cũng đã ghi nhận 3 lần điều chỉnh với mức giảm tương tự 4% trong 4 tháng trước. Nguồn: Tradingview. |
Vì sao chứng khoán tăng mạnh?
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng đà tăng của thị trường chứng khoán thời gian qua chủ yếu do Việt Nam kiểm soát tốt các đợt bùng phát dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi kinh tế.
Trong đó, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp ghi nhận khả quan hơn. Trong khi một số ngành chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, lưu trú… nhiều ngành lại hưởng lợi từ dịch bệnh như công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng... qua đó giúp giá cổ phiếu tăng mạnh.
Vị chuyên gia cho biết chứng khoán tăng điểm còn đến từ việc lãi suất ngân hàng xuống thấp khiến nhà đầu tư chuyển tiền vào cổ phiếu thay vì gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy vậy, ông Lực cho rằng trong khi kinh tế tăng trưởng thấp thì chỉ số chứng khoán lại tăng cao sẽ tiềm ẩn một số rủi ro điều chỉnh và tính thiếu bền vững của thị trường.
Dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư trong nước đổ vào thị trường là một trong những nguyên nhân giúp chứng khoán tăng điểm mạnh thời gian qua. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo các chuyên gia tại SSI Research, thị trường chứng khoán tăng mạnh thời gian qua còn đến từ sự lạc quan về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quý I và kỳ vọng tăng tốt quý II. Cùng với đó, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu mở cửa trở lại khi độ phủ của vaccine Covid-19 lớn hơn.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán - nhóm tăng mạnh nhất từ đầu năm, đang bước vào mùa chia cổ tức tăng vốn. Cùng với đó, số lượng tài khoản mở mới tăng mạnh đã giúp thanh khoản thị trường lên cao kỷ lục.
Theo ước tính của SSI Research, tổng giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường tháng 5 đã tăng 17,5% so với tháng trước, đạt 24.145 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị trên HoSE tăng hơn 22,1%, đạt bình quân 20.486 tỷ/phiên. Bình quân 5 tháng đầu năm nay, giá trị giao dịch khớp lệnh trên HoSE và toàn thị trường đã tăng 291% và 266,4% so với mức bình quân năm 2020.
Tương tự, bộ phận phân tích của VNDirect cho rằng đà tăng của chứng khoán được hỗ trợ chính từ dòng tiền lớn đổ vào thị trường, đặc biệt là tiền mới của các nhà đầu tư trong nước.
tỷ đồngSố TKTÀI KHOẢN GDCK MỞ MỚI VÀ THANH KHOẢN SÀN HOSE HÀNG THÁNGNguồn: VSD, HoSEThanh khoản bình quân/phiênTài khoản chứng khoán mở mớiT1/202023456789101112T1/2021234505k10k15k20k25k025k50k75k100k125k
Theo Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường đã ghi nhận 3,1 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán trong nước, tăng hơn 366.800 tài khoản so với đầu năm và tương đương 93% tổng số tài khoản trong nước mở mới của cả năm 2020. Bình quân mỗi tháng từ đầu năm có tới 91.704 tài khoản được mở mới, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI, cho biết lượng tiền chuyển từ gửi tiết kiệm sang chứng khoán rất lớn, và đây là lý do các công ty chứng khoán đã hết margin nhưng thị trường vẫn tăng điểm.
Thậm chí, dòng tiền vào thị trường của nhà đầu tư trong nước từ đầu năm còn vượt trội lực bán ròng của khối ngoại
Riêng tháng 5, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 10.406 tỷ trên cả 3 sàn giao dịch, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm lên mức 25.045 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ. Tuy vậy, riêng tháng 5, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã mua ròng 11.161 tỷ đồng trên HoSE và trở thành đối ứng với lực bán ròng của nước ngoài.
Có tồn tại bong bóng chứng khoán?
Ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng hiện tại, nhà đầu tư không nên quá quan tâm đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài do dòng tiền này đã không còn đóng góp nhiều vào chỉ số tăng trưởng của chứng khoán trong nước. Lý do là dù khối ngoại bán ròng hàng chục nghìn tỷ đồng từ đầu năm, chỉ số thị trường vẫn tăng và thanh khoản vẫn cao.
Vị chủ tịch SSI nhấn mạnh nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường nhằm mục đích thu lợi nhuận chứ không phải giúp đỡ thị trường. Vì vậy, việc các quỹ ngoại bán hay mua sẽ không phản ánh tính chất của thị trường chứng khoán Việt. Ông Hưng cũng khẳng định chưa có dấu hiệu cho thấy rủi ro về khủng hoảng tài chính hiện nay.
Trong khi đó, trả lời câu hỏi thị trường chứng khoán có đang tăng trưởng nóng hay không, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đà tăng thời gian qua của thị trường này đều được hỗ trợ từ nhiều yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước.
Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu kép năm 2020, trong khi kinh tế năm 2021 được dự báo phục hồi cao. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp rất khả quan và lãi suất tiết kiệm thấp đã góp phần tăng sức mua trên thị trường chứng khoán.
Các chuyên gia phân tích cho rằng mặt bằng giá hiện tại của thị trường chứng khoán trong nước vẫn ở mức hợp lý nhưng cần thời gian để tạo dư địa tăng thêm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Sơn cho biết thêm lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới cao kỷ lục sau 5 tháng, cùng thanh khoản đạt trên 1 tỷ USD/phiên cũng là động lực hỗ trợ thị trường giai đoạn vừa qua. Ngoài ra, hầu hết thị trường chứng khoán thế giới đã tăng điểm và hồi phục cũng góp phần hỗ trợ cho đà tăng của thị trường trong nước.
“Thị trường chứng khoán tăng trưởng là tín hiệu cho thấy vai trò huy động vốn trung, dài hạn và là hàn thử biểu của nền kinh tế Việt Nam nói chung và sức hấp dẫn, tiềm năng của thị trường chứng khoán nói riêng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị phó chủ tịch UBCK cũng cho rằng việc thị trường duy trì đà tăng mạnh kéo dài thời gian qua đã và đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực hơn cho cả cơ quan quản lý, các thành viên thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức giá hợp lý
Nhóm chuyên gia VNDirect
Diễn biến của thị trường trung, dài hạn sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế. Ngoài ra, ông Sơn cho rằng mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Ghi nhận trong báo cáo chiến lược tháng 6 của VNDirect, các chuyên gia phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức giá hợp lý.
Cụ thể, đến ngày 25/5, P/E của VN-Index là 17,8 lần, vẫn thấp hơn mức 18,4 lần vào cuối tháng 4, nhờ kết quả kinh doanh quý I của các công ty niêm yết cải thiện. Mức P/E hiện tại chỉ cao hơn 7,9% so với mức trung bình 5 năm gần nhất là 16,5 lần và cao hơn 2,9% so với đầu năm 2021.
Tuy nhiên, thị trường cũng tồn tại một số rủi ro như tác động tiêu cực của đợt bùng phát Covid-19 mới đối với triển vọng tăng trưởng GDP quý II; rủi ro lạm phát tăng; và dư nợ margin thị trường ở mức cao.