Trong 2 năm gần đây, trái phiếu trở thành huy động vốn chủ lực của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bất động sản. Nguyên nhân là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thắt chặt tín dụng, đối với các khoản vay liên quan tới nhóm doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, sau vụ dàn lãnh đạo của Tân Hoàng Minh bị khởi tố về hành vi phát hành trái phiếu sai quy định, kèm theo đó là hàng loạt động thái mạnh tay của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong việc thanh kiểm tra các đợt phát hành trái phiếu, đã khiến trái phiếu bất động sản “vắng bóng” trên thị trường.
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 4/2022, toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ghi nhận 23 đợt phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp với giá trị 16.472 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tháng này, thị trường đã không ghi nhận bất kỳ đợt phát hành nào của nhóm doanh nghiệp bất động sản, điều chưa từng diễn ra trong 4 năm trở lại đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, đối với doanh nghiệp bất động sản, có 2 kênh rất vốn rất quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp. Việc “siết chặt” thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng nên cẩn trọng.
Theo ông Châu, dù giai đoạn 2008 – 2011 chưa có trái phiếu doanh nghiệp, nhưng khi ngân hàng thắt chặt nguồn vốn tín dụng, thì thị trường bất động sản đã bị đóng băng và phải nhờ đến sự giải cứu của Nhà nước.
Ông Châu cho rằng, thực tế hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang siết dần tín dụng ngân hàng vào bất động sản theo lộ trình đến cuối năm tới sẽ giảm còn 30% GDP.
Ngay trong năm 2017– 2018, các doanh nghiệp đã tập trung tìm kiếm nguồn vốn thay thế, cho nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển rất mạnh trong 4 năm trở lại đây. Đây là việc làm đi đúng chủ trương vì nguồn vốn ngân hàng chỉ là ngắn hạn.
Chủ tịch HoREA nhận thấy việc thực hiện tổ chức đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp là rất quan trọng, và cần có lộ trình để bắt buộc đánh giá tín nhiệm với trái phiếu doanh nghiệp, bởi làm như vậy, không chỉ có thể kiểm soát được các doanh nghiệp phát hành về vấn đề cung cấp thông tin và minh bạch thị trường, mà còn giảm bớt các nguy cơ rủi ro cho nhà đầu tư, thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực từ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Châu, việc sử dụng vốn của doanh nghiệp sau phát hành trái phiếu cũng không nhất thiết phải cứng nhắc, đúng mục đích cụ thể vào dự án được đưa ra khi thực hiện phát hành. Bởi vì, tiến độ thực hiện một dự án có thể kéo dài từ 3-5 năm, nên cần hiểu một cách thấu đáo vấn đề sử dụng vốn sau phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Châu cho rằng, khi doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn của doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế, các nhà đầu tư, các cơ quan công quyền chỉ cần căn cứ vào bản công bố kế toán của doanh nghiệp là có thể nắm được cơ chế sử dụng vốn từ việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.
“Đề nghị các cơ quan tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng tăng tính minh bạch để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và tăng tính trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, tăng vai trò giám sát của cơ quan quản lý, đơn vị đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp”, ông Châu chia sẻ.
Theo ông Châu, thời gian vừa qua các doanh nghiệp đang cảm thấy sức ép rất lớn, nhất là việc rất khó tiếp cận nguồn vốn, nếu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cứ tiếp tục bị “siết chặt” lại thì đó là tín hiệu không tốt cho thị trường bất động sản, một trong những trụ cột của nền kinh tế.