Nghị định 24 được cho là "bùa trấn yểm" rủi ro thanh khoản do giá vàng biến động quá lớn và chảy máu ngoại tệ không cần thiết
Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực từ năm 2012.
Theo các chuyên gia, đây là dấu mốc quan trọng đối với thị trường này, bởi lẽ hoạt động nhập khẩu vàng được quy về một mối tại Ngân hàng Nhà nước. Cũng từ thời điểm đó, khái niệm "tín dụng vàng" được loại bỏ hoàn toàn khỏi hệ thống tổ chức tín dụng - điều mà trước đó, vàng vẫn được coi là một loại tài sản thoải mái mua/bán/cho vay/vay cùng các sản phẩm phái sinh khác trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Nhưng cũng vì thế mà xuất hiện rủi ro thanh khoản ở một số ngân hàng lớn làm chao đảo hệ thống ở những năm 2010 - 2012. Đây là một trong những lý do quan trọng để Nghị định 24 ra đời và sau đó 2 quyết định tái cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng sau thời kỳ bị khủng hoảng tài sản mà vàng là một nguyên nhân không kém phần quan trọng.
“Sau khi tâm lý người dân ổn định, giá vàng trong nước sẽ quay về diễn biến thông thường là giảm chậm hơn nhưng tăng nhanh hơn so với giá quốc tế. Lưu ý, đà tăng giá của vàng vẫn còn trong ngắn hạn, bởi áp lực lạm phát tăng vẫn hiện hữu”.
(Một chuyên gia thị trường vàng).
Cũng kể từ thời điểm đó, thị trường vàng bắt đầu phải tự dưỡng, tự cân đối cung – cầu nội địa. Tuy nhiên, chính vì phải tự điều tiết nên giá vàng thường xuyên xuất hiện độ trễ so với giá quốc tế. Trong đó, vàng có xu hướng tăng nhanh hơn, biên độ rộng hơn; ngược lại, giảm chậm cùng biên độ hẹp ở chiều xuống.
Để giải thích cho diễn biến trên, giới kinh doanh vàng cho rằng, bản chất kinh doanh là phải mua bán liên tục, không thể mua một khoảng lớn rồi chờ đợi vàng lên giá mới bán. Hiểu đơn giản, mỗi khi bán ra 1 lượng vàng thì đồng thời phải mua vào 1 lượng vàng tương ứng. Song, mỗi khi giá vàng thế giới có xu hướng tăng thì điểm kết nối các vòng quay mua – bán là những nhịp tăng giá.
Ví dụ, một công ty bán ra 1 lượng vàng giá 58 triệu đồng, lãi 0,2 triệu đồng so với giá mua vào trước đó. Thế nhưng, ngay sau đó, giá thị trường nhảy vọt lên 58,5 triệu đồng/lượng mà vẫn phải mua vào ngay để có hàng bán thì mặc nhiên công ty đã lỗ 0,3 triệu đồng.
Như vậy, ở vòng quay thứ mua bán thứ 2, công ty phải đẩy giá cao hơn hy vọng có thể bù lại phần lỗ hoặc có thể có lãi. Giá vàng do vậy tăng rất nhanh. Không những thế, như đã nói do nguồn cung không được tự chủ nên biên độ tăng thường vượt ngoài diễn biến giá thế giới.
Trái lại, khi vàng thế giới có xu hướng giảm, doanh nghiệp vàng trong nước mua giá cao trước đó giờ bán giá rẻ thì không nỡ. Cộng thêm tâm lý người dân không chấp nhận tài sản của mình bị giảm giá nên vàng trong nước giảm giá rất chậm, biên độ nhỏ.
Vòng quay vàng như trên đã tồn tại cả chục năm. Tuy nhiên, ở cuối tuần trước, nó đã bị lỗi nhịp. Khi vàng thế giới giảm 40 USD/oz (khoảng 1 triệu đồng/ lượng) thì giá vàng trong nước cũng bốc hơi giá trị tương ứng.
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, ông cho rằng, diễn biến lỗi nhịp chủ yếu do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, giá vàng thế giới có bước điều chỉnh mạnh, gây chú ý lớn. Thứ hai, sau quãng thời gian ổn định quanh mức 55-57 triệu đồng/lượng, vàng bất ngờ tăng trở lại đỉnh lịch sử (62 triệu đồng/lượng) khiến nhu cầu chốt lời tăng mạnh, kéo theo giá cũng có bước giảm lớn hơn thông thường.
Diễn biến giá vàng thế giới thời gian gần đây
Thực tế, nhịp lỗi chỉ kéo dài có 3 phiên giao dịch. Đến phiên giao dịch thứ 3 tuần này, quả thật giá vàng đã quay lại diễn biến thường thấy.
Hiện tại, giá vàng thế giới chững lại dưới ngưỡng 1.800 USD/oz (khoảng 49,2 triệu đồng/ lượng), nhưng giá vàng miếng trong nước sáng nay (26/11) tiếp tục đi lên trên mốc 60 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại Hà Nội, Tập đoàn Phú Quý báo giá vàng miếng SJC ở mức 59,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 60,25 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 100.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Tại thị trường Tp.Hồ Chí Minh, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 59,65 triệu đồng/lượng và 60,35 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Với việc vòng quay vàng trở lại nhịp điệu bình thường, khoảng cách giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi bắt đầu tăng trở lại và đạt ngưỡng 11-11,1 triệu đồng/lượng.